Quá tải hạ tầng Hà Nội: Những lỗ hổng cần bịt!

Thứ năm, 12/09/2019 10:17 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo đánh giá của chuyên gia, Hà Nội đang quy hoạch phát triển dân cư thiếu cân đối với hạ tầng giao thông. Chỉ một cơn mưa, giao thông Hà Nội lập tức tê liệt và lộ ra nhiều những “bảo tàng” về kinh nghiệm thất bại. Trong đó, thất bại nhất là vấn đề quy hoạch thành phố.

Quá tải do… quy hoạch

Như báo chí đã thông tin, sáng ngày 10/9, Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Một số tuyến đường xảy ra ùn tắc đơn cử như: Đường Cầu Bươu, khu vực Cầu Tó – Phan Trọng Tuệ, đường Kim Giang, Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, cầu Thanh Trì, đường Tố Hữu… Dù  sáng 10/9 Hà Nội có mưa với lượng không nhỏ nhưng cũng đã khiến giao thông trở nên hỗn loạn ở nhiều địa điểm. Trước vấn đề này, chuyên gia cho rằng lỗ hổng gây ra tình trạng trên là do quy hoạch dân cư chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông.

Trao đổi về điều này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.

Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội bởi lịch sử để lại cho Hà Nội mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.

“Ví dụ, bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định”, TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Báo Công luận

TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt ra vấn đề, hiện nay xuất hiện tình trạng ùn tắc vùng ven, các khu đô thị mới thì tình trạng chung đó là hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông không phát triển song hành được cùng sự phát triển bên trong khu đô thị.

“Ví dụ như đường Lê Văn Lương có rất nhiều chung cư, công trình cao tầng, trong khi tuyến đường không cải tạo chỉnh trang. Vì vậy, hiện tượng ùn tắc giao thông là hiện tượng rõ nét nhất của Hà Nội. Đây là hệ quả của lịch sử để lại, đặc biệt thiếu sự cân đối giữa phát triển giao thông và phát triển các khu đô thị. Hay nói cách khác kế hoạch đầu tư về hạ tầng kết cấu giao thông với phát triển các khu chung cư, nhất là nhà chung cư cao tầng.

Đây là vấn đề tồn tại quản lý thực hiện theo quy hoạch, thiếu sự đồng bộ giữa kế hoạch hàng năm và quy hoạch dẫn đến hiện tượng tắc đường. Đây là vấn đề nay mới thấy nhưng khi bàn đến hiện thực này rất nhiều cơ quan quản lý đặt ra rồi”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng chóng mặt và đa số di chuyển đều hướng đến hoặc xuyên qua khu vực lõi đô thị, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông rất hạn chế. Đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, cùng với việc mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị. Điều này khiến Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng thiếu hạ tầng giao thông. Tình trạng ùn tắc, thiếu điểm đỗ… vẫn đang là vấn đề nan giải.

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này đó là quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, giữa giao thông và quy hoạch luôn có sự kết hợp chặt chẽ. Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.

Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội có quy hoạch 30 năm nhưng thậm chí chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển không gian với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới giao thông. Khu đô thị thường do tư nhân đầu tư, giao thông lại do Nhà nước đảm nhận. Do nguồn vốn khó khăn nên hiện TP vẫn chưa thực hiện được đồng thời. Điều này dẫn tới nhiều bất cập. Đơn cử, tuyến đường Lê Văn Lương dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhằm kết nối với hai tuyến đường vành đai để giảm tải giao thông tại khu vực này nhưng việc bố trí ngân sách rất chậm. Trong khi đó, do thiếu chính sách quản lý, từ 2011 đến nay có trên 20 dự án cao tầng được xây dựng, dẫn tới những ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn… Như vậy để thấy rằng, bất cập giữa quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là thiếu nguồn lực để làm hạ tầng kỹ thuật khung.

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh thì chất lượng quy hoạch, tầm nhìn dự báo chưa cao; công tác lập quy hoạch còn chậm, kéo dài, nhất là quy hoạch chi tiết đến thời điểm hiện tại mới đạt tỷ lệ 39%. Việc này đã gây khó khăn cho công tác phát triển đô thị, dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ.

Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, năng lực, trình độ quản lý của một số cán bộ còn chưa theo kịp thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng theo quy hoạch của chính quyền địa phương đã được quan tâm hơn, nhưng còn nhiều hạn chế về bộ máy, cơ chế, chính sách, nên vẫn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép.

Ngoài ra, các văn bản pháp lý phục vụ công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị lại chưa theo kịp thực tiễn, chưa đầy đủ, thống nhất. Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành (hoặc mới ban hành) còn bất cập, chồng chéo, thiếu tính khả thi, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khó khăn về nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch cũng là nguyên nhân biến ý tưởng thành hiện thực gặp trở ngại. Thực tế, nhiều dự án, nhất là các dự án nhà ở cao tầng, khu đô thị được triển khai trên địa bàn Hà Nội đến từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc xây dựng hạ tầng bên ngoài hàng rào thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng, do khó khăn về nguồn lực nên thành phố hiện mới tập trung phát triển hệ thống tuyến, đường giao thông chính, trọng điểm.

Tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt, tại Chỉ thị 05/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Chỉ thị, phải khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, nghị định và hoàn thành trong năm 2019 để bảo đảm tính thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành..; cân đối nguồn lực bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị.

Khánh An

Tin khác

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hoà bình!

(CLO) Hôm nay, vùng đất Điện Biên, Tây Bắc chiến trường năm xưa, rực rỡ cờ hoa, hân hoan trong không khí tưng bừng của đại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, trên khắp dải đất hình chữ S, tinh thần Điện Biên Phủ đã thấm đẫm, lan toả trong mỗi người dân Việt. Nhắc nhớ lại bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ, là để mỗi người trong chúng ta, thêm trân quý hơn giá trị vô giá của hoà bình.

Góc nhìn
Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

(CLO) Lịch sử dân tộc đã chứng minh: Muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc. Và chiến dịch Điện Biên Phủ chính là biểu hiện sinh động cho sự vận dụng tài tình đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góc nhìn
Kỳ cuối: Quyết định lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Kỳ cuối: Quyết định lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

(NB&CL) Trong rất nhiều những nhân tố mang tính quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm về trước, không thể không kể đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tài năng quân sự kiệt xuất, đặc biệt là bản lĩnh hiếm có của vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Góc nhìn
Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn