Tin tức

Qua thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế hơn 129 nghìn tỷ đồng

Trâm Anh 11/07/2025 20:43

(CLO) Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ Trần Đức Thắng cho biết, toàn ngành đã triển khai 2.799 cuộc thanh tra hành chính và 39.533 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế 129.888 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 118 vụ.

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột leo thang ở nhiều nơi.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

32e7b97d884a3e14675b.jpg
Quang cảnh hội nghị

Tổng Thanh tra cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, ngành Thanh tra đã đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống lãng phí, tiêu cực. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đạt được kết quả rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Để góp phần vào kế hoạch chung của cả nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, vừa thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vừa triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại hội nghị, Tổng Thanh tra đề nghị các đại biểu nghiên cứu, trao đổi, thảo luận các nội dung thiết thực, hiệu quả, nhất là đề xuất những giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong bối cảnh mới sau khi đất nước thực hiện cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” và thực hiện bộ máy chính quyền địa phương hai cấp.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ Trần Đức Thắng cho biết, toàn ngành đã triển khai 2.799 cuộc thanh tra hành chính và 39.533 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế 129.888 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 118 vụ.

Qua đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, cơ quan chức năng đã thu hồi 1.002 tỷ đồng (tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ 2024), 6 ha đất; xử lý hành chính 1.187 tổ chức, 5.331 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 46 vụ, 31 đối tượng; khởi tố 4 vụ, 13 đối tượng.

Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tập trung thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về giải quyết 226 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, vượt cấp lên trung ương trên địa bàn TP Hà Nội.

Báo cáo nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, chỉ diễn biến tăng ở một số thời điểm vào dịp diễn ra kỳ nghỉ lễ, kỳ họp Trung ương, Quốc hội. Số người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 2,8%, số đoàn đông người tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Số đơn khiếu nại, tố cáo, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền có xu hướng giảm, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng (tăng 8,1%).

Có 159.206 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Các cơ quan hành chính đã xử lý 239.110 đơn, xác định có 203.619 đơn đủ điều kiện xử lý. Cơ quan Nhà nước các cấp đã giải quyết 12.323 trong tổng 16.125 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 76,4%). Qua xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 12,4 tỷ đồng; trả lại cho tổ chức, cá nhân 10 tỷ đồng; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 6 tổ chức, 243 cá nhân; kiến nghị xử lý 224 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ, 2 đối tượng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2025, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục bám sát Định hướng chương trình thanh tra năm 2025, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành kế hoạch thanh tra điều chỉnh sau sắp xếp, sáp nhập và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung cao độ lực lượng để thực hiện thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn vướng mắc và về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước; Xây dựng Định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2026 có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm;...

Hai là, Tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Ba là, Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập;...

Bốn là, Tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Thanh tra sửa đổi năm 2025 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tích cực đổi mới mạnh mẽ phương pháp, cách làm để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm, nhất là đối với việc chấp hành các quy định của Đoàn thanh tra theo yêu cầu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan thanh tra với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là với các cơ quan trong khối nội chính; Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các cơ quan thông tấn báo chí, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tin tưởng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp; Sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Cùng với nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, đề cao trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất của cán bộ, đảng viên toàn Ngành, ngành Thanh tra sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2025, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành Thanh tra; Thiết thực lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Nước, 80 năm ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam và Đại hội XIV của Đảng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Qua thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế hơn 129 nghìn tỷ đồng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO