Các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam:

Quan điểm của Việt Nam và góc nhìn của cộng đồng quốc tế

Thứ năm, 22/08/2019 10:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, các tàu của Trung Quốc đã hai lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này không những gây mất ổn định trên Biển Đông, mà còn vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

Ngày 16/8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

quan diem cua viet nam va goc nhin cua cong dong quoc te hinh 1

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.

Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục -  nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ,  nội dung được thể hiện trong tuyên bố nói trên là nghiêm túc, phản ánh đúng sự thật khách quan và được trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ. Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016, khẳng định trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có căn cứ pháp lý rõ ràng. Bởi vì, khu vực phía Nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện cũng xấp xỉ khoảng trên dưới 200 hải lý. Việt Nam chỉ nhấn mạnh đến khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý ở khu vực này; bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu có hồ sơ chứng minh bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý và được Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc chấp nhận.

quan diem cua viet nam va goc nhin cua cong dong quoc te hinh 2

Nhà giàn DK1.

Vì vậy, việc Việt Nam tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK là phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 (UNCLOS 1982) quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này. Trong khi đó, Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Nam Sa thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982. Quan trọng hơn, phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016 cũng đã bác bỏ lập luận này.

Thế giới quan ngại

Quan ngại về “những diễn biến tiêu cực” ở vùng Biển Đông, đồng thời mạnh mẽ lên án “những hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng” là góc nhìn của nhiều nước trước những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay.

Ngày 20/8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật ức hiếp” làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Theo hãng tin AFP, trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông John Bolton nêu rõ: “Việc Trung Quốc gần đây gia tăng động thái nhằm đe dọa nước khác không được khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông đang gây quan ngại”. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những nước phản đối các hành động và “chiến thuật ức hiếp” vốn đe dọa an ninh và hòa bình khu vực. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh xung đột.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về những diễn biến mới trên Biển Đông, Giáo sư Carl A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng trong vụ việc tại bãi Tư Chính hiện nay, hành động của Trung Quốc là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Những hoạt động khảo sát và có tính thương mại khác của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam ở Biển Đông phải được sự cho phép của Việt Nam vì chỉ Việt Nam mới có quyền đối với mọi nguồn lực trong vùng nước và dưới đáy biển trong khu vực này. Mọi quốc gia ven biển đều nắm rõ điều đó.

Theo Giáo sư Thayer, các hoạt động nói trên của Trung Quốc không chỉ diễn ra với Việt Nam mà với cả Philippines và Malaysia ở cùng thời điểm. ASEAN cần phải lên tiếng về điều này và coi đây là những vụ việc nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh, nếu các nước ASEAN không đứng lên phản đối, những hành động này sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần trong tương lai. Vì thế, các nước ASEAN phải thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục có ý định thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông James Gomes - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của Việt Nam trong vụ việc căng thẳng với Trung Quốc hiện nay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong khi đó, Tiến sỹ Takashi Hosoda, - chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc), cho rằng Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với hình ảnh của nước này.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Praha, Tiến sỹ Hosoda khẳng định khu vực gần Bãi Tư Chính mà Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là vùng biển hoàn toàn nằm trong EEZ của Việt Nam và Trung Quốc không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền tại Bãi Tư Chính.

Theo ông, hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 mà nước này là thành viên.

Tiến sỹ Hosoda cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh... cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể để kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thực địa.

Giải quyết vấn đề Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài. Điều quan trọng nhất là các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, tạo sức mạnh tổng hợp để không bị chia rẽ. Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần kiên quyết và kiên trì đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mang tính răn đe và cưỡng ép của Trung Quốc trên thực địa, đồng thời xử lý tranh chấp theo hướng không để ảnh hưởng tới quan hệ song phương với Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hà Anh (Tổng hợp)

Tin khác

Quy định về thời gian điều trị nội trú Bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho người bệnh

Quy định về thời gian điều trị nội trú Bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho người bệnh

(CLO) Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự lo lắng về tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng; tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp; quy định về thời gian điều trị nội trú Bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho người bệnh…

Tin tức
Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết "ba bảo đảm", đẩy mạnh "ba đột phá" và thực hiện "ba tăng cường" để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động và phát triển.

Tin tức
Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa

Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa

(CLO) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng vốn đầu tư 1.807,474 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 271,121 tỷ đồng.

Tin tức
Việt Nam và Uzbekistan cần tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp mũi nhọn

Việt Nam và Uzbekistan cần tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp mũi nhọn

(CLO) Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của hai bên như dầu khí, nông nghiệp để bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương hai nước.

Tin tức
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Tin tức