Quan họ làng Thổ Hà - Vang vọng tiếng gọi tâm tình

Thứ tư, 26/02/2020 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Làng quan họ Thổ Hà thuộc làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cùng với 44 làng quan họ của tỉnh Bắc Ninh, 5 làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Giang đã góp phần vẽ nên bức tranh dân ca quan họ mộc mạc mà trữ tình, sâu lắng.

Xuôi theo bờ Bắc dòng sông Cầu thơ mộng, tại làng Thổ Hà, xã Vân hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi đã bao đời thủy chung với câu hát quan họ cổ, chúng tôi sang quê hương Bắc Giang - men theo bờ Bắc dòng sông Cầu, nơi có 5 làng quan họ cổ, trong đó có làng quan họ Thổ Hà thuộc làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cùng với 44 làng quan họ của tỉnh Bắc Ninh, 5 làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Giang đã góp phần vẽ nên bức tranh dân ca quan họ mộc mạc mà trữ tình, sâu lắng.

Dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ đã đi vào thơ ca, tạo nên cả một vùng văn hóa Kinh Bắc xưa. Một trong những nét đẹp văn hóa ấy là những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, vang vọng tự ngàn đời trên đôi bờ sông Cầu, nối giữa Bắc Ninh và Bắc Giang.

Dòng sông Cầu đầy thơ mộng - nơi đây là nguồn cảm hứng cho nhiều làn quan họ đã đi cùng năm thắng. Ảnh: Hoàng Dương

Dòng sông Cầu đầy thơ mộng - nơi đây là nguồn cảm hứng cho nhiều làn quan họ đã đi cùng năm thắng. Ảnh: Hoàng Dương

Quan họ cổ vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2009, từ đó cho đến nay, bằng nhiều hình thức bảo tồn, truyền dạy, sức sống của quan họ vẫn đang lan tỏa qua nhiều thế hệ người dân quê hương quan họ.

Ở Thổ Hà, quan họ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp nông nhàn hay vào mùa lễ hội đầu xuân. Tuy nhiên, để biết chính xác thời điểm ra đời của quan họ Thổ Hà, thì trong làng không ai còn nhớ rõ. Chỉ biết rằng, các cụ cao niên trong làng vẫn thường truyền nhau, quan họ Thổ Hà có từ rất lâu đời, cứ lớp trước truyền dạy cho lớp sau, nối nhau lưu giữ và phát triển cứ như thể tự nhiên là vậy. Trong cuộc sống thôn dã hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống mai một rất nhiều, thì ở đây, ngày cũng như tối, hễ lúc nông nhàn là các anh hai, chị hai không phân biệt tuổi tác vẫn gặp gỡ để cùng chơi quan họ.

Trước những năm 1945, vì điều kiện đất nước vẫn còn chiến tranh, khó khăn chồng chất nên làng Thổ Hà không lập bọn quan họ, cũng không đi thi hát với các làng quan họ khác.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đất nước hòa bình, hát quan họ nơi đây mới diễn ra thường xuyên và liên tục. Lễ hội Thổ Hà chính là điểm hẹn, là trung tâm diễn ra các canh hát quan họ của các liền anh, liền chị ở Diễm, Chọi, Đọ Xá, Bò Sơn,… (bờ Nam sông Cầu) với quan họ Thổ Hà và các làng quan họ khác ở bờ Bắc sông Cầu.

Bởi vậy, vào dịp hội làng Thổ Hà, trong tiết trời xuân ấm áp, các liền anh áo the, khăn xếp, ô đen xúng xính; các liền chị nón thúng quai thao, áo mớ ba mớ bảy lại nô nức, háo hức để được gặp nhau, trao nhau những câu hát tình tứ, thiết tha trong không gian sông Cầu mênh mang. “Ngồi rằng ngồi tựa mạn thuyền…” chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp, sự cuốn hút của làng quan họ Thổ Hà.

Liền anh, liền chị chuẩn bị hát đối tại đình làng Thổ Hà. Ảnh: Tư liệu

Liền anh, liền chị chuẩn bị hát đối tại đình làng Thổ Hà. Ảnh: Tư liệu

Người xưa có câu “Về Thổ Hà mới ra quan họ”. Những câu quan họ cất lên không phải là sự chót lưỡi đầu môi mà là sự trải lòng mình, là sự hiếu khách và tâm tình của người hát. Quan họ làng Thổ Hà nghe thì mộc mạc nhưng mặn mà và đằm thắm. Cái cơ bản của hát quan họ Thổ Hà là hát hơi trong, vẫn lấy hơi đan điền, không hát giọng ngoài mà hát giọng thật, thì mới truyền tải được hết ý nghĩa của bài hát và cái cần thiết của kỹ thuật hát quan họ như vang, rền, nền, nẩy. Kỹ thuật hát buông câu, nhả chữ, hát luyến láy.

Tiếng hát quan họ Thổ Hà luôn giữ được những thứ đặc sắc của quan họ là hát mà như tâm tình, như trải nỗi niềm riêng, trải cái tình không quản mưa nắng, xa xôi, để tìm nhau, để giãi bày những điều chưa tỏ.

Những câu quan họ trong trẻo ấy cất lên, tiếng âm ngân vang, vọng đâu đây tiếng gọi tâm tình, thoáng nghe phảng phất tiếng hồn quê mộc mạc nơi cây đa, bến nước, sân đình. Dù cuộc sống có lắm thăng trầm, thì quan họ cũng không thể thiếu được trong lòng người dân Thổ Hà.

Tìm lại bản sắc của quan họ là trăn trở của lớp nghệ nhân quan họ làng Thổ Hà. Những câu hát quan họ cổ được truyền dạy lại từ các lớp liền anh, liền chị, là những lão làng trong chiếc nôi quan họ làng Thổ Hà. Hiện nay, tại làng Thổ Hà đã thành lập được một câu lạc bộ quan họ làng Thổ Hà, do nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Hiệp (hay còn gọi là anh Hai Hiệp) làm Chủ nhiệm.

Nói về những trăn trở trong việc truyền dạy lại bản sắc quan họ cổ của làng, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Hiệp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ làng Thổ Hà chia sẻ: “Tôi luôn định hình rằng, Câu lạc bộ là nơi giao lưu gặp gỡ, tạo cơ hội ôn luyện và trao đổi với nhau quan niệm người quan họ nói chung vẫn duy trì. Quan họ là giống nhau, trọng nhau về nghĩa, tất cả là tình nghĩa sống với nhau, câu hát chỉ là cùng đam mê. Người đi trước bảo người đi sau, chúng tôi truyền dạy lại cho lớp trẻ là muốn lưu giữ nét đẹp của văn hóa, chứ không có khái niệm là thầy”.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ về quan họ làng Thổ Hà với PV. Ảnh: Hoàng Dương

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ về quan họ làng Thổ Hà với PV. Ảnh: Hoàng Dương

Nhớ lại những ngày mới thành lập Câu lạc bộ Quan họ làng Thổ Hà, anh Hai Hiệp trầm tư giãi bày: Hồi ấy, Câu lạc bộ chỉ có hơn chục người. Khi ấy, Câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người trong Câu lạc bộ cùng bắt tay sưu tầm những bài quan họ cổ, những bài quan họ hay để cùng nhau tự học, uốn nắn cho nhau mỗi khi nhả từ, buông tiếng,… Với người nghệ nhân ưu tú này, anh quan niệm: “Chơi Quan họ phải giữ được cái gốc của người chơi, con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ và để không thẹn với liền anh, liền chị các nơi về”.

Quan họ Thổ Hà là nét đặc sắc của văn hóa Kinh Bắc. Ảnh: Tư liệu

Quan họ Thổ Hà là nét đặc sắc của văn hóa Kinh Bắc. Ảnh: Tư liệu

Theo Nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp: “Hát quan họ thì dễ, nhưng chơi quan họ không phải làng nào và không phải ai cũng am hiểu và làm được. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, có lề, có lối và đắm đuối hết mình. Bây giờ người ta quen gọi Câu lạc bộ Quan họ chứ đúng chất cổ xưa thì phải gọi là “Bọn Quan họ”. Người biết chơi quan họ chí ít cũng phải nắm lòng vài chục câu, người giỏi thì biết hàng trăm câu để có thể ứng khẩu, đối đáp với bọn quan họ làng khác một cách đúng lề, đúng lối, đúng phép tắc ứng xử.

Quan họ Thổ Hà không chỉ là nghệ thuật mà còn là văn hóa ứng xử. Khách đến chơi nhà không chỉ “rót nước mời trà” mà còn có cả những câu hát thắm đượm nghĩa tình: “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng…”.

Càng tìm hiểu càng thêm yêu tiếng hát quan họ làng Thổ Hà nói riêng và quê hương quan họ nơi bờ Bắc sông Cầu nói chung. Sức sống của Quan họ Thổ Hà lan tỏa khi niềm đam mê quan họ chưa nhận được sự quan tâm đằng sau những cống hiến. Nhưng tất cả những sự cống hiến, hy sinh quên mình của các nghệ nhân là tình yêu đọng lại trong từng câu hát mộc mạc mà thắm tình kia, những câu hát vang lên nhưng thanh âm quen thuộc của chốn làng quê nơi Thổ Hà thân thương thắm đượm nghĩa tình.

Làn mưa xuân lất phất, phủ chùm không gian làng quê nên thơ như kéo dài những câu hát của các anh hai, chị hai. Những câu hát quan họ nồng nàn ấy cất lên, thẩm thấu tình yêu vô bờ với làn điệu quan họ, với quê hương đất nước, đó chính là sợi dây vô hình nối những người con của ngôi làng cổ kính Thổ Hà với mảnh đất nơi đây. Chính điều ấy khiến chúng tôi thấy gần hơn với người làng Thổ Hà. Tôi chợt nhớ đến câu hát mà người quan họ thường hay nói với nhau: “Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm/ Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn biển nhưng chung một nhà”.

 Thủy Tiên

Tin khác

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

(CLO) Lễ hội rước nước tại đình làng Phú Xá (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa diễn ngày 18/3 với sự tham gia nhiệt tình của hàng trăm người dân Thủ đô. Đây là lễ hội truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính, cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Đời sống văn hóa
Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

(CLO) Tối 18/3, tại sân khấu Thủy Đình, Phố cổ Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Trường Đại học Hoa Lư phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào. Chương trình nhằm quảng bá văn hóa Lào tại tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

(CLO) Cùng với Cố đô Hoa Lư nổi tiếng, động Hoa Lư cũng là một trong những di tích tiêu biểu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Nên ngày nay, nhiều du khách khi đi du lịch Ninh Bình sẽ lựa chọn tham quan, trải nghiệm thêm động Hoa Lư.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

(CLO) Tối ngày 18/3, tại di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra lễ cầu an. Đến dự có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

(CLO) Ngày 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kết hợp với họa sĩ Phan Ngọc Khuê khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.

Đời sống văn hóa