Quản lý dạy thêm học thêm: Cần xử lý tận gốc vấn đề!

03/04/2025 14:00

(NB&CL) Dạy thêm học thêm có nguyên nhân từ việc giáo dục chạy theo điểm số, kiến thức mà không coi trọng đến hình thành năng lực, phẩm chất người học.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang triển khai thực hiện Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, những nỗ lực của Bộ GD&ĐT vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng mong muốn vì vấn nạn dạy thêm học thêm trá hình.

Đơn cử như vụ việc học thêm của học sinh Trường THCS Lương Khánh Thiện, quận Kiến An, TP. Hải Phòng. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện 41 giáo viên Trường THCS Lương Khánh Thiện đăng ký dạy thêm tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức văn hóa Thiên Văn (Trung tâm Thiên Văn) cùng 1.517 học sinh của trường này. Đây chỉ là phần nhỏ của thực trạng dạy thêm, học thêm trá hình hiện nay.

Phản ánh với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhiều giáo viên chia sẻ, tình trạng dạy thêm, học thêm trên thực tế ở một số nơi chưa thuyên giảm mà vẫn rất phức tạp, dưới nhiều hình thức lách luật. Nhiều giáo viên, nhà trường chưa nhận thức được sự thay đổi trong dạy và học mà vẫn chú trọng dạy thêm, học thêm. Thực trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quản lý dạy thêm, học thêm đang trở thành một thách thức lớn, ngăn cản đổi mới giáo dục.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) từng chia sẻ, qua kiểm tra thực tiễn tại một số địa phương và tổng hợp báo cáo của các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT nhận thấy việc triển khai thực hiện Thông tư số 29 chưa được hiệu quả ở một số địa phương. Ông Thái Văn Tài cho biết, dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29 nhưng vẫn còn 19 tỉnh/thành phố chưa gửi báo cáo.

quan ly day them hoc them can xu ly tan goc van de hinh 1

Nhà trường cần có nhiều hoạt động để học sinh được tham gia, từ đó hình thành nên phẩm chất, năng lực.

Cần từ bỏ kiểu giáo dục chạy theo trang bị kiến thức, điểm số 

Vì sao Bộ GD&ĐT, các Sở đã nỗ lực hạn chế dạy thêm, học thêm nhưng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan. Đâu là gốc của vấn đề. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hiện nay không chỉ cần hạn chế dạy thêm, học thêm tiêu cực mà cần phải hạn chế tối đa dạy thêm, học thêm. Giáo dục cần tập trung đào tạo kỹ năng cho học sinh tự học. “Thầy cô giáo tập trung làm sao cho học sinh có đủ năng lực tự học, cái đó mới quan trọng và hướng đến hình thành năng lực phẩm chất người học, chứ không phải hướng đến điểm số” – thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Giáo dục hiện nay vẫn nặng về điểm số, bằng cấp, việc chọn trường điểm chứ không hướng đến việc phát triển bản thân học sinh. Giáo dục thế giới họ cũng chỉ tập trung vào phát triển năng lực người học trong khi chúng ta chạy theo thành tích, điểm số, bằng cấp. Cái này, rất tai hại. “Bây giờ để học sinh nó tự học mới là mục đích đến” – Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay đa số nghĩ rằng, Thông tư 29 chỉ để giải quyết tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Nhưng thực tế, đây chỉ là một phần, cái chính làm sao để học sinh biết cách tự học, đó mới là mục tiêu của nhà trường và gia đình.

Bên cạnh thay đổi trên, chuyên gia Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các nhà trường thay vì dạy thêm thì phải tổ chức nhiều hoạt động bám sát mục tiêu của chương trình 2018. Hiện nay, nhà trường chỉ chạy theo chương trình chứ không chạy theo những hoạt động phục vụ mục tiêu của chương trình. Đến trường chỉ để học đủ bài mà không tổ chức các hoạt động để giúp học sinh đạt mục tiêu chương trình.

Muốn đạt được mục tiêu, nhà trường phải được Nhà nước cho tự chủ. Nhà trường phải tự chủ, nhân văn, sáng tạo, hội nhập. “Hiện nay, kiến thức hỏi AI lúc nào cũng được nhưng vận dụng vào cuộc sống, cái đó cần thầy cô. Hiện nay, dạy học chạy theo kiến thức, ghi nhớ là không đủ. Học sinh phải có ý chí, khát vọng phát triển bản thân, phát triển xã hội. Học sinh phải có văn hóa phát triển bản thân, nhà trường phải có đội ngũ nhà giáo tâm huyết sáng tạo đáp ứng nhu cầu của học sinh”.

Qua trao đổi của chuyên gia có thể thấy, muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm cần thay đổi từ cách dạy truyền đạt kiến thức sang hình thành kỹ năng cho học sinh. Nhà trường bên cạnh dạy học cần nhiều hoạt động để học sinh có môi trường hình thành năng lực phẩm chất. Có như vậy, dạy thêm, học thêm mới hết đất sống.

Trinh Phúc

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quản lý dạy thêm học thêm: Cần xử lý tận gốc vấn đề!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO