Đời sống văn hóa

Quần thể danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức là Di sản văn hóa thế giới

Khánh Ngọc 12/07/2025 22:00

(CLO) Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Chiều 12/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, GS. Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch kỳ họp đã gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

1ytu1.jpg
Bạn bè quốc tế tới chúc mừng phái đoàn Việt Nam. Ảnh: ND

Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 12 điểm di tích, nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Trong đó tỉnh Quảng Ninh gồm 5 điểm: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang; thành phố Hải Phòng 5 điểm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương; tỉnh Bắc Ninh 2 điểm: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam. Sự công nhận từ UNESCO góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Trong nội dung phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ VHTT&DL và các tỉnh đặc biệt quan tâm.

1ytu2.jpg
Toàn cảnh khu di tích Côn Sơn. Ảnh: TL

Sự quan tâm đó thể hiện qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các di sản thế giới ở Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quần thể danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức là Di sản văn hóa thế giới
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO