Quản trị nợ công: cần chặt chẽ hơn nữa!

20/11/2018 07:56

(CLO) Nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì các chỉ số nợ vẫn còn cao. Hiện Việt Nam chuẩn bị bước qua thời kỳ được hưởng các nguồn vốn vay giá rẻ, dần phải chuyển sang vay vốn với điều kiện thị trường thì việc quản trị nợ công cần được quản lý chặt hơn nữa.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 10 ước đạt 113,8 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 10 tháng đạt 1.103,1 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 224,8 nghìn tỷ đồng, bằng 56,2% dự toán năm, tăng 17,1%; Chi trả nợ lãi đạt 87,96 nghìn tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán năm, tăng 8,7%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết; Chi thường xuyên đạt 768,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm, tăng 5,1%.

 Cần đưa cơ cấu để nợ công nằm trong ngưỡng cho phép (Ảnh TL)

Bộ Tài chính cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 là phải xây dựng Thông tư hướng dẫn mẫu biểu báo cáo phục vụ quản lý tài chính đối với các chương trình dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó là việc phải hoàn thành việc xây dựng chương trình quản lý nợ công trung hạn giai đoạn 2019 – 2021. Trong thời gian qua công tác quản lý nợ công cũng được ghi nhận với những kết quả nhất định. Theo đó đã giảm tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18,1%/năm; 3 năm 2016-2018 tăng bình quân khoảng 10%/năm).

Song song với  kết quả đạt được, một số thách thức cũng được đưa ra với công tác quản lý nợ công. Trong các năm 2017 và 2018, dư nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép (50% GDP), chủ yếu do nợ nước ngoài của các doanh nghiệp vay theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN có xu hướng gia tăng do các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trước đây đã đến giai đoạn trả nợ gốc; các khoản vay mới có điều kiện kém ưu đãi hơn. Giới chuyên gia cho rằng, vay nợ để chi cho đầu tư phát triển là một nhẽ, nhưng cần siết ở công đoạn quản lý chi, nhất là trong bối cảnh các dự án đầu tư làm ăn thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước còn ở mức độ cao.

Trong các năm 2017 và 2018, dư nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn cho phép (Ảnh TL)

Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018 đã thể chế hóa yêu cầu đánh giá tác động đối với các khoản vay mới lên nợ công. Theo đó, các đề xuất vay mới phải được xác định thành tố ưu đãi, cơ chế tài chính và đánh giá tác động nợ công trước khi phê duyệt. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nợ công, cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung cho biết cần phải cơ cấu lại nợ Chính phủ theo hướng kênh huy động vốn trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và ngoài nước của danh mục nợ Chính phủ, từ cơ cấu nợ trong nước/ngoài nước là 39%/61% năm 2011, chuyển thành 60%/40% năm 2018.  Tập trung tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc đánh giá tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn theo quy định của Luật Quản lý. Vấn đề được đưa ra hiện nay là cần cân đối giữa vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài nhằm đạt được cơ cấu danh mục nợ công hợp lý. Bên cạnh đó phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để tạo nguồn trả nợ trong tương lai, gắn trách nhiệm sử dụng vốn vay nợ công với trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch về nợ công. Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, để khắc phục điểm yếu về quản lý nợ địa phương, cần thiết lập hệ thống thông tin, hài hoà hoá quy định từ trung ương đến địa phương để thống nhất cách thức quản lý.

Trong dài hạn, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, trước tiên cần chuẩn hoá các quy trình quản lý nợ theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Phải hiện đại hoá công tác quản lý nợ thông qua áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào các công đoạn nhằm bảo đảm tính chính xác, kịp thời, thuận lợi trong công tác quản lý.

Lam Giang

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quản trị nợ công: cần chặt chẽ hơn nữa!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO