Quảng Bình: Chuyển đổi hơn 10ha rừng để làm đường cứu hộ, cứu nạn lên xã biên giới
(CLO) Việc chuyển mục đích sử dụng 10,4ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đường cứu hộ, cứu nạn Trường Xuân - Trường Sơn sẽ góp phần phá vỡ thế độc đạo trong việc kết nối xã Trường Sơn với trung tâm huyện Quảng Ninh, và đáp ứng lòng mong đợi bao đời nay của đồng bào xã biên giới này.
Ngày 19/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh vừa quyết định chuyển mục đích sử dụng 10,4ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, để người dân xã biên giới Trường Sơn không phải đi đường vòng khi đến trung tâm huyện.

Một góc xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh).
Theo đó, dự án đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn có diện tích thực hiện là 18,5 ha. Diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng là 10,4 ha, trong đó rừng phòng hộ 2,1 ha và rừng sản xuất 8,3 ha thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Sơn quản lý.
Trước đó năm 2021, huyện Quảng Ninh quyết định đầu tư 100 tỷ đồng thực hiện dự án làm đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn với chiều dài hơn 6,6 km, kết nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông với đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Tuy nhiên, do vướng nhiều diện tích rừng cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho nên dự án phải dừng lại một thời gian.
Đầu tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với 10,2 ha rừng tự nhiên tại huyện Quảng Ninh để thực hiện dự án.
Trường Sơn là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh chưa có đường bộ kết nối với trung tâm huyện. Muốn đến xã biên giới Trường Sơn, từ trung tâm huyện Quảng Ninh đi đường thủy thì phải dùng thuyền máy ngược sông Long Đại với nhiều thác ghềnh khá nguy hiểm; còn nếu đi đường bộ phải đi vòng qua TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch hoặc huyện Lệ Thủy thông qua Quốc lộ 9E và 9B rồi theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để đến trung tâm xã Trường Sơn. Chiều dài các đoạn tuyến đường vòng này gần 80 km.
Vào mùa mưa lũ các tuyến này thường xuyên bị sạt trượt, xói lở nghiêm trọng, gây cô lập hoàn toàn xã Trường Sơn trong thời gian dài, việc cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ cho người dân hết sức khó khăn và phức tạp.
Vì thế, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Trường Xuân - Trường Sơn sẽ góp phần phá vỡ thế độc đạo trong việc kết nối xã Trường Sơn với trung tâm huyện Quảng Ninh và đáp ứng lòng mong đợi bao đời nay của đồng bào xã biên giới này.