Quang Đạm - Người "anh cả" của làng báo!

Thứ năm, 13/12/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Quang Đạm (Tạ Quang Đệ) là một nhà báo dù không ở cương vị đứng đầu tờ báo, nhưng vẫn là tấm gương sáng đẹp trong lòng người đọc. Ông được biết đến ở sự nghiêm cẩn với công việc, có đóng góp lớn với nghề, với xã hội.

Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi tôi chính thức “nhập tịch” nghề báo thì tên tuổi của những nhà báo ở báo Nhân Dân như Hoàng Tùng, Quang Đạm, Hồng Hà, Hà Đăng, Trần Kiên, Thép Mới, Hữu Chỉnh, Lê Điền, Phan Quang, Hữu Thọ... ngày nối ngày đậm đà trong tôi và trở thành niềm ngưỡng mộ để yêu say với nghề. Đã không dưới một lần tôi nhắc về những cái tên trên đây trong những bài viết của mình. Bởi tác phẩm báo chí, bởi công việc báo chí đã tạo nên ấn tượng, làm sáng danh tên tuổi của họ; khiến bạn đọc mỗi khi nhắc tên họ là lại nhớ đến tờ báo, và nói đến tờ báo là nhớ đến tên của họ. Cho dù trong số đó có nhiều người không ở cương vị đứng đầu tờ báo, nhưng vẫn sáng đẹp trong lòng người đọc. Quang Đạm (Tạ Quang Đệ) là trường hợp như thế. Tên của ông lưu đậm trong tôi cho tới tận bây giờ không chỉ vì ông sinh ra trên đất học (Xứ Nghệ) dòng dõi nhà nho uyên thâm; anh em ông thành đạt, quyền cao chức trọng, mà là ở công việc, nghiêm cẩn với công việc, có đóng góp lớn với nghề, với xã hội.

Báo Công luận
Nhà báo Quang Đạm.

Tôi ít có cơ hội gần gũi ông như một số nhà báo tên tuổi của báo Nhân Dân mà tôi nhắc ở trên. Nhưng ấn tượng về những lần gặp, được nghe ông giảng (tại Khóa Đại học Báo chí đầu tiên – nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền), được đọc những bài viết cùng phong cách đĩnh đạc của ông thì thật khó phai mờ. Nhắc tới Quang Đạm là tôi lại hình dung ra một khuôn mặt quắc thước, mặt chữ điền, mắt sáng, trán cao, tai to, miệng rộng; giọng trầm ấm nhưng âm âm uy lực. Nhìn thần thái, dễ thấy ông là người hiểu rộng, nhưng khiêm tốn, đức độ; trung thực, giản dị, mẫu mực trong ứng xử, cẩn trọng khi phát ngôn; cần cù, nghiêm cẩn trong công việc báo chí. Khi tôi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Báo chí, nhà báo Quang Đạm là Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân là giảng viên để dấu ấn rất sâu trong tôi về phong cách truyền đạt của một người thấu hiểu, thấu cảm nghề nghiệp báo chí. Ông lưu dấu trong tôi về “Quan điểm báo chí cách mạng” về “Đặc trưng nghề báo”; “Quy tắc của nghề báo”; “Tính chất và chức năng của báo chí cách mạng”... Nhưng hơn thế, đã là người làm báo nhất là nhật báo, trước tiên phải thạo làm tin, sau đó mới đến các thể loại của báo chí. Nói về tin, diễn giải Lý thuyết báo chí – Tin trên báo chí, tin tức là gì? Thời xa xôi ấy thì tài liệu nghiệp vụ báo chí của (Đức) là kỹ càng hơn cả... Thế nhưng, dễ thấm trong tôi, đậm mãi trong tôi hơn cả lại là bài giảng của nhà báo Quang Đạm: “Cải tiến tin tức”.

Ông quan niệm: “Nâng cao chất lượng tin tức của báo chí đang là vấn đề thời sự đối với người làm báo chúng ta”. Có thể còn có những điểm chưa suy nghĩ được kỹ nhưng cũng xin được trình bày để các đồng chí tham khảo. Xin lần lượt đề cập về mấy vấn đề: 1 – Khái niệm tin tức: Từ khái niệm này đi đến nhận thức đặc điểm của tin, chất lượng của tin cho đến văn phong báo chí trên lĩnh vực tin tức. 2 – Tình hình đưa tin của chúng ta hiện nay: Vì sao chất lượng tin chưa cao? Và chưa cao ở những mặt nào? 3 – Phương hướng cố gắng của chúng ta để thực hiện việc nâng cao chất lượng tin. Chỉ đọc tiêu đề, mục dẫn đủ thấy Quang Đạm viết và truyền dạy chủ yếu bằng những gì ông đã làm, đã qua thực tế rồi tự rút ra, cho nên tôi mới nghĩ ông dễ truyền cảm hứng cho chúng tôi bởi ông thấu hiểu, thấu cảm vì đó là nghiên cứu của ông, là từ công việc từng trải nghiệm, rồi ông rút ruột rút gan cô lại nên câu nên chữ cho đời, nhưng vẫn mở lời, rằng đó là ý để tham khảo. Khiêm tốn là vậy nhưng cái lý đúng ở ông cứ đọng mãi với người nghe, người đọc: “Khái niệm tin của thế giới gồm hai ý: Cái tin và cái mới là một. Ở ta chỉ có hơi khác một tý – tin với thực là một”.

Quang Đạm quan niệm: “Nếu mà không đúng sự thật thì không tin được. Cho nên trong tiếng Việt, ý niệm về cái thật và ý niệm về tin là một. Làm cho người ta biết cái gì là có thật, đấy là đưa tin. Nghe một điều gì có thật, đó là nghe tin. Chúng ta đặt cái thật lên rất cao trong cái tin. Như vậy là đi vào khái niệm tin, trước hết là phải nghĩ tới cái mới và cái thật”! Một bài giảng về tin, bài viết về cải tiến tin trên báo chí đầy lý lẽ cắt nghĩa, luận giải, lý giải, chứng minh thấu đáo, chặt chẽ rồi cô lại: Báo chí phải trung thực, không được nói dối, không được nói sai, không được lạm dụng nghề báo và đừng để ai mượn báo chí để vụ lợi hoặc làm những điều phi pháp.

Ông nhắc nhở: “Báo chí đòi hỏi một thứ lao động cần thiết, thích ứng. Đó là lao động khám phá, phát hiện, khai thác trong cuộc sống khách quan, trong muôn hình sự việc để chọn lọc đưa lên một số sự việc tiêu biểu, điển hình, hấp dẫn nhất. Trước hết là tính tiêu biểu. Anh có thể đưa lên một sự việc tiêu biểu cho tính chất diệt vong của cái cũ, anh có thể đưa lên sự việc tiêu biểu cho sự phát sinh và phát triển của cái mới, khi viết đưa cái cũ để làm nổi bật cái mới, thì đưa cái cũ ấy không có gì sai, không có gì kiêng kị cả. Chúng ta phải nhìn sự vật một cách biện chứng, một cách tổng hợp theo quan điểm vạn vật vận động và có quan hệ biện chứng với nhau”. Quan niệm này của ông, bài giảng này của ông, chúng tôi đã chọn và cho in trong tập “Nghề nghiệp và công việc của Nhà báo” do tôi chủ biên, HNBVN xuất bản tháng 1/1992.

Báo Công luận
Nhà báo Quang Đạm (ngoài cùng bên phải) trong buổi làm việc với Bác Hồ.

Người của nghề báo, nói trúng về nghề báo khiến những người trong cuộc nể trọng, mến mộ và tin yêu. Với tôi, một nhà báo thường thường thì đó là đương nhiên. Nhưng với những người từng giữ quyền to, chức lớn ở báo Nhân Dân như ông Hà Đăng, Phan Quang khi chuyện nghề với chúng tôi vẫn coi Quang Đạm là bậc thầy, là anh cả của mình trong làng báo Việt Nam thì rất đáng phải suy ngẫm. Ấy là bởi sự mẫu mực của nhà báo Quang Đạm trong nghiệp vụ báo chí, trong vai Ủy viên Bộ biên tập báo với trọng trách Tổng thư ký Bộ biên tập.

Sự mẫu mực của ông, danh tiếng của ông trong công việc khiến hai chục năm trước tôi đã suy ngẫm về chức danh Thư ký tòa soạn của các báo để tạo nên bài viết; “Thư ký tòa soạn – Người âm thầm sáng tạo” in trong ấn phẩm “Xử lý thông tin – Việc của nhà báo” do NXB VH–TT ấn hành năm 2001. Thư ký tòa soạn là người dưới quyền trực tiếp của Tổng Biên tập, được mệnh danh là cánh tay phải của Tổng biên tập; là người góp phần quan trọng nhất vào việc trực tiếp sáng tạo và chế tạo ra tờ báo. Họ là người nối tiếp công việc của người biên tập; làm công việc của người kỹ thuật, định tít lớn, tít nhỏ, cỡ chữ, gam màu trên từng bài, từng trang; định vị trí của mỗi bài viết trên maket. Đây là công việc có tính nghệ thuật, đòi hỏi óc sáng tạo và trình độ thẩm mỹ để chuyển tải thông tin, tôn giá trị thông tin... rồi chuyển họa sĩ trình bày; Thư ký tòa soạn xem lại trước khi trình Tổng Biên tập duyệt... Ấy là thời xa xưa. Nay thì việc trình bày báo, lên khuôn báo được thể hiện ngay trên vi tính. Tuy nhiên công nghệ này, phương tiện này chỉ có tính giúp việc cho Thư ký tòa soạn, không thể thay thế quy trình làm việc của họ cho tới khi lên khuôn trang, bình bản tờ báo trước khi đưa in. Nhắc lại chút ít công việc này của Thư ký tòa soạn để thấy rằng công việc Tổng thư ký Bộ biên tập báo Nhân Dân ngày ấy là quan trọng biết nhường nào. Cho nên tôi thiển nghĩ đức tính, phẩm chất, công việc đã tạo nên nhà báo Quang Đạm cần mẫn, nghiêm túc, âm thầm sáng tạo trong công việc. Nhờ đó mà tiếng nói của ông với nghề có uy, có lực. Bởi thế, những người từng làm việc với ông thời ấy ở báo Nhân Dân mới coi “Quang Đạm là anh cả của làng báo”. Và, tôi người ngoại đạo của báo Nhân Dân mới theo ông, noi theo ông với mong muốn một đời mê mải với nghề báo, nghề nghiệt ngã mà vinh quang!

Hà Nội – Ngày cuối năm 2018

Nhà báo Nguyễn Uyển (Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – HNBVN)

 

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo