Quảng Nam đầu tư gần 16,8 tỷ đồng tu bổ hai tòa tháp Chăm Chiên Đàn
(CLO) Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi hai tòa tháp Chăm Chiên Đàn ở Quảng Nam có tổng mức đầu tư gần 16,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 14,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hai tòa tháp nằm trong di tích quốc gia tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh).
Dự án có tổng mức đầu tư gần 16,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 14,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, do Sở VHTT&DL Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Dự án này sẽ tu bổ, gia cố và dọn dẹp phát lộ mặt bằng, thu gom hiện vật quanh chân tháp; tháo dỡ các khối xây gia cố bằng vữa xi măng, gạch cũ trước đây, thay thế gạch đã bị mục, vỡ tại các vị trí hư hại nhẹ trên bề mặt đế và tường tháp.

Tại phần đế và tường tháp sẽ gia cố, tái định vị các khối xây gạch; bổ sung các tai đá góc tháp bị mất, gãy. Xây bổ sung bậc cấp và vai bậc theo hình thức phỏng dựng với các hình khối đơn giản, bậc xây gạch phục chế; xây phục hồi bổ sung các phần bị đổ, mất hoặc mất ổn định trên đế và thân tường.
Đồng thời phục hồi hình khối các ô hộc và trang trí dựa trên cơ sở các thành phần gốc còn lại; gia cố vết nứt tường, khoan neo các khối gạch góc mái tháp. Tái định vị các thanh đá trụ, ngưỡng và bậc đá cửa; phục hồi nền trong thân tháp, lát gạch Chăm phục chế, xử lý toàn bộ bề mặt gạch...
Trước đó, cuối năm 2024, Bộ VHTT&DL có văn bản thẩm định, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chủ đầu tư lưu ý đối với hiện trạng kiến trúc, trang trí và tình trạng kỹ thuật, vật liệu của nhóm tháp Chiên Đàn.
Trong quá trình thi công tại phần thân tháp cần ưu tiên giải pháp bảo quản bề mặt, gia cường, xử lý triệt để tình trạng nấm mốc, địa y, cây cối xâm thực... để bảo vệ nguyên trạng khối xây gốc. Không đặt vấn đề thay thế phần gạch bị hư hại trên bề mặt thân tháp để tránh hiện tượng "vá mặt mảng lớn".
Đối với việc gia cố, tái định vị các khối xây gốc của đế tháp; phục hồi các vị trí bị đổ, mất và tháo dỡ khối xây gia cố chân tháp trước đây để xây lại, Bộ VHTT&DL lưu ý bảo vệ nguyên trạng khối xây gốc. Chỉ xây phục hồi cục bộ tại các vị trí bề mặt bị sạt lở, lõm sâu theo dạng khối, căn cứ vào hiện trạng từng vị trí; chỉ xây bổ sung dạng khối vào phần đỉnh diềm thân tháp...
Cụm tháp Chăm Chiên Đàn được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XII, với chức năng thờ ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo. Nhóm tháp gồm ba kiến trúc tháp thờ (tháp Nam, tháp Giữa và tháp Bắc) được xây dựng thẳng hàng, phần chân tháp có đá phiến ốp được điêu khắc trang trí hoàn chỉnh. Kiến trúc này chỉ còn thấy trên tháp Bánh Ít (tỉnh Bình Định) và tháp Chiên Đàn.
Hiện nay, cấu trúc mái của tháp đã bị sụp đổ không nhận diện được. Phần còn lại của các tầng mái tháp bị nhiều cây dại mọc trùm lấp, trong đó có một số cây khá lớn đe dọa cho cấu trúc xây gạch của tháp.
Toàn bộ phần chân tháp, gồm cả bốn mặt tường đều đã đổ vỡ, chỉ còn lại dấu vết của một vài khối đá ốp trang trí chân tháp tạc hình vũ nữ. Nền tháp bằng đất nện không bằng phẳng, thực vật xâm thực. Cấu trúc xây cửa giả trên cả bốn mặt đều đã được gia cố bổ sung bằng các khối xây gạch chỉ theo giải pháp tương tự.
Phần thân tháp hư hại bề mặt, các chi tiết trang trí bị sứt, vỡ chỉ còn dấu vết. Nhiều khối xây đã được gia cố bằng gạch và vữa xi măng. Cấu trúc thân mái tầng hai cũng đã bị hư hại nặng nề, các khối trang trí đều đã mất bề mặt, gạch xây nhiều chỗ đã mất liên kết, có nguy cơ gây sụp đổ.