Quảng Ninh: Bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn
(CLO) Bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão và đang hoạt động trên khu vực phía Bắc Biển Đông với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17, hướng di chuyển vào đất liền, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Trước diễn biến đó, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm ứng phó với cơn bão này.
Bắn pháo hiệu báo bão
Tối ngày 5/9, Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắn pháo hiệu tại các điểm TP Hạ Long, đảo Cô Tô, Ngọc Vừng... để thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn, cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển.

Loạt pháo hiệu đầu tiên do Hải đội Biên phòng 2 thực hiện để kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão an toàn. Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ninh cung cấp.
Các đơn vị Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã bố trí lực lượng thường trực cơ động gồm 220 người, với 2 tàu, 12 xe ô tô, 10 xuồng cao tốc sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn khi xảy ra tình huống xấu xảy ra.
Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển tiếp tục sử dụng thông tin tìm kiếm cứu nạn thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết về diễn biến, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để khẩn trương di chuyển tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Đến hết ngày 5/9, tất cả 7.464 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, với 14.246 lao động đã vào bến neo đậu tránh trú bão; 1.358 lao động trên 2.230 ô, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đã vào bờ an toàn. Hiện không còn phương tiện và ngư dân hoạt động trên biển nằm trong khu vực nguy hiểm.
Ban hành lệnh cấm biển, đình hoãn các cuộc họp
Bắt đầu từ 11 giờ ngày 6/9 tất cả tàu thuyền, phương tiện thủy không được phép ra khơi; các phương tiện thủy phải nhanh chóng thoát ra khỏi vùng hoạt động của bão số 3, về nơi tránh trú bão an toàn.
Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đảo Trần giúp người dân chằng buộc nhà cửa chống bão số 3. Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ninh cung cấp.
Theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến của bão, tuyên truyền về ảnh hưởng của bão để nhân dân biết, phối hợp với chính quyền thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách trên các đảo, khu vực ven biển, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, khu neo đậu tránh trú. Di dời người dân ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn trước 16 giờ ngày 6/9; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đến.
Rà soát phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, các vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các công trình đang thi công, các bãi thải mỏ; kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí mất an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác tại các điểm xung yếu, ngập lụt và tại các vị trí ngầm tràn khi có lũ, không cho người và phương tiện qua lại và xử lý sự cố, di dời dân cư khi có yêu cầu.
Tổ chức nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy hệ thống mương, suối, cống thoát nước trên địa bàn để phòng, chống ngập úng. Tổ chức cắt tỉa cành, nhánh, chằng chống cây xanh, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, kiến trúc cao tầng... để đảm bảo an toàn. Tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16 giờ ngày 6/9.