Quảng Ninh: Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều gian nan
(CLO) Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh luôn tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp.
Mặc dù số vụ bắt giữ về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng nhái, hàng giả trong 10 tháng qua trên địa bàn tỉnh đã giảm, nhưng giá trị hàng vi phạm lại tăng cao hơn cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục được kiểm soát; không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, các điểm nóng về hoạt động này, nhưng công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều gian nan.
Xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh qua biên giới
Đầu quý 3 năm 2018, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh do đồng chí Phạm Trung Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh làm Trưởng đoàn cùng đại diện các sở, ban, ngành và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại 3 đơn vị là Cục Quản lý thị trường, thành phố Móng Cái và huyện Bình Liêu.
Kết quả cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự; tác động xấu đến môi trường sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Các mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng nhắm đến trong thời gian qua chủ yếu vẫn là: ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ, tiền, ngoại tệ, pháo nổ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm không đảm bảo VSATTP, gia cầm, sản phẩm gia cầm, thủy hải sản tươi sống, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, than, vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi), con giống vật nuôi, các loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Mỗi cư dân biên giới được "xách tay" lượng hàng trị giá 2 triệu đồng/lượt và 4 lượt/tháng
Các địa bàn trọng điểm hoạt động của các đối tượng bao gồm: dọc đường biên giới từ km1 đến km 4 (thuộc các phường Ka Long, Ninh Dương, Hải Yên); khu vực biên giới thuộc các phường Trần Phú, Hải Hòa, Trà Cổ; các xã Bình Ngọc, Bắc Sơn, Hải Sơn; hai bên cánh gà Trạm kiểm soát liên hợp Km15 – Bến tầu Dân Tiến; dọc quốc lộ 18A từ Km16 thành phố Móng Cái đến huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên; khu vực Đồng Văn và cánh gà bên phải cửa khẩu Hoành Mô;
Bến xe khách liên tỉnh; các bãi đỗ xe tải, container và trong địa bàn thành phố Móng Cái. Trên tuyến biển, tại các khu vực cảng như Cẩm Phả, Hà Khánh, Nam Cầu Trắng, cụm cảng Km6, Khe Dây, Cầu 20, khu vực biển Cửa Đối, Thượng Hạ Mai, Nhà Đèn; khu vực huyện Hoành Bồ; khu vực tiếp giáp Kinh Môn - Hải Dương và Thủy Nguyên - Hải Phòng; khu vực trong và ngoài đảo Trần, Bạch Long Vĩ.
Đối tượng trọng điểm tham gia vận chuyển, tiêu thụ là các chủ phương tiện vận tải; các lái, phụ xe vận chuyển chuyên tuyến từ Móng Cái đi các tỉnh, thành phố; các chủ hàng và cư dân, người làm thuê tại khu vực biên giới.
Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới và sự thông thạo địa bàn mà cấu kết, thuê mướn họ gánh vác, vận chuyển hàng hóa (theo tiêu chuẩn hoặc thẩm lậu) qua biên giới, cửa khẩu. Sau đó dùng xe máy, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào các kho, điểm tập kết tại khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại.
Để vận chuyển qua trạm kiểm soát liên hợp Km15, các đối tượng thường xé lẻ hàng hóa và lén lút vận chuyển qua 2 bên cánh gà rồi tập kết rải rác từ khu vực Km16 đến huyện Hải Hà, Đầm Hà.
Lợi dụng các xe khách, xe Container, xe chở thùng kín để chôn giấu hàng lậu trong các hầm, thành vách phương tiện (đã được gia cố tinh vi) nhằm qua mặt cơ quan chức năng vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Nguyễn Quân