Quảng Ninh kiến nghị Bộ GD&ĐT nhiều vấn đề nóng trong quản lý giáo dục
(CLO) Tỉnh đã thẳng thắn nêu ra nhiều "điểm nghẽn" và kiến nghị quan trọng với Bộ về công tác quản lý giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện sắp xếp bộ máy hành chính và hướng tới xây dựng Luật Nhà giáo.
Ngày 15/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức khảo sát thực tế công tác quản lý giáo dục khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 638 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, với tổng số 394.571 trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên; 24.780 người là nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên trường học, trong đó có 20.230 giáo viên, giảng viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học trong các cơ sở giáo dục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trong đó có 95,8% số phòng học được kiên cố hóa.

Một trong những đề xuất cấp thiết được tỉnh Quảng Ninh đưa ra là việc trao quyền tự chủ hơn cho ngành giáo dục trong tuyển dụng và sử dụng giáo viên, kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh sự cần thiết của quy định này trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho ngành giáo dục Quảng Ninh. Tỉnh đề nghị Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, mô hình trường học ở cấp xã mới, thẩm quyền quản lý các trường dân tộc nội trú, cũng như các vấn đề liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật và nguồn tuyển giáo viên đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy đã chỉ ra rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là công tác quản lý đội ngũ giáo viên và đề xuất trao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành. Lãnh đạo các địa phương cấp huyện cũng đồng quan điểm về việc giữ ổn định các cơ sở giáo dục hiện có và có sự phân cấp quản lý hợp lý.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận những nỗ lực và thành tựu của giáo dục Quảng Ninh, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách đãi ngộ nhà giáo, coi đây là sự đầu tư xứng đáng. Về việc sắp xếp trường học, Thứ trưởng cho rằng không nên sáp nhập các trường vì điều này không phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - khẳng định sự cần thiết của việc đổi mới mô hình quản lý giáo dục song song với việc sắp xếp hành chính, nhưng nhấn mạnh nguyên tắc giữ ổn định các cơ sở giáo dục. Bộ trưởng cũng lưu ý về sự phân chia trách nhiệm linh hoạt giữa cấp sở và cấp xã trong quản lý giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh số lượng cán bộ quản lý giáo dục cấp xã còn hạn chế so với quy mô học sinh.

Một thông tin đáng chú ý khác là chủ trương dự kiến từ năm học 2026-2027 sẽ thực hiện tuyển sinh các cấp học theo hướng ưu tiên học sinh được học gần nhà, không còn quá nặng nề về địa giới hành chính, một mô hình đã được TP.HCM thí điểm.
Về vấn đề dạy học 2 buổi/ngày, Bộ trưởng khẳng định đây là chủ trương mở, nhưng yêu cầu đảm bảo chất lượng buổi học chính và kiên quyết ngăn chặn tình trạng biến tướng thành dạy thêm ép buộc. Ông nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một nền giáo dục tích cực, phát triển toàn diện người học.
Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã giải đáp các kiến nghị của Quảng Ninh và đề nghị tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, từ điều phối giáo viên đến quản trị trường học và tuyển sinh. Buổi làm việc cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GDĐT và tỉnh Quảng Ninh trong việc tháo gỡ các khó khăn và định hướng phát triển giáo dục địa phương trong giai đoạn mới.