Quảng Ninh: Người dân được hỗ trợ tới 60 triệu đồng/ha khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai
(CLO) Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và tác động tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 27/7/2025, nhằm hỗ trợ khôi phục các vùng sản xuất bị thiệt hại.
Nghị quyết quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với từng loại cây trồng, vật nuôi và mô hình sản xuất, căn cứ vào thời điểm sản xuất và mức độ thiệt hại.
Đối với cây trồng, mức hỗ trợ dao động từ 2 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha. Cụ thể, diện tích gieo trồng đã trên 45 ngày và thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Vườn cây lâu năm đã đến thời kỳ kinh doanh, nếu thiệt hại không thể phục hồi, sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, cây giống quý hiếm trong giai đoạn vườn ươm có thể được hỗ trợ tới 60 triệu đồng/ha. Đây là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay.

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng nằm trong phạm vi hỗ trợ. Rừng sản xuất, rừng giống, rừng nguyên liệu nếu trồng trên đất lâm nghiệp đã qua nửa chu kỳ khai thác và bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha. Riêng vườn giống lâm nghiệp được hỗ trợ đến 20 triệu đồng/ha.
Với thủy sản, các mô hình nuôi ao hồ, lồng bè, nuôi treo… khi bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ từ 15 đến 60 triệu đồng/ha. Đây là tín hiệu tích cực cho các địa phương ven biển như Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn – nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão và triều cường.
Với vật nuôi, tỉnh hỗ trợ từ 30.000 đồng/con đối với gia cầm, 1,5 triệu đồng/con đối với lợn trên 88 ngày tuổi và 12 triệu đồng/con bò sữa trưởng thành. Đặc biệt, người nuôi ong mật cũng được hỗ trợ 500.000 đồng/đàn ong nếu thiệt hại.
Điểm mới đáng chú ý trong nghị quyết là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp (trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh) sẽ được hỗ trợ ở mức cao hơn hộ dân, gấp 1,5 lần.
Ví dụ, một doanh nghiệp nuôi cá trong lồng bè, nếu bị thiệt hại trên diện tích 100m³ nước, sẽ được hỗ trợ 45 triệu đồng, thay vì 30 triệu như hộ dân. Chính sách này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh trong việc khuyến khích, bảo vệ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, từ khâu cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.
Việc ban hành nghị quyết hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất mà còn góp phần ổn định nguồn cung nông sản và đảm bảo sinh kế cho lao động địa phương.