Quảng Ninh: Thu ngân sách đạt gần 27,2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
(CLO) Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và tình hình bất ổn chính trị trên thế giới nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ở mức 2 con số.
Cụ thể, GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 10,66%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 27.189 tỷ đồng (tăng 18% cùng kỳ).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 42.310 tỷ đồng; ngành du lịch đón khoảng 5,5 triệu lượt khách. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai; niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố.

Du khách đi tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long tăng trở lại. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Phát biểu trong Hội nghị lần thứ 26, Ban Chấp hành Đảnh bộ tỉnh Quảng Ninh XV diễn ra mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả đó, thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt như lời căn dặn và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại địa phương hồi tháng 4/2022.
Quảng Ninh đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong đó, tích cực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số toàn diện; đẩy nhanh tốc độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển.
Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Gắn kết hài hoà, chặt chẽ giữa phát triển giữa đô thị và nông thôn; giữa công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ với nông nghiệp.

Một cơ sở sản xuất gỗ ép xuất khẩu tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Quân.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hóa đời sống kinh tế-xã hội; kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thu hút đầu tư.