Quảng Trị: Cần đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa
(NB&CL) Hướng Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây, của tỉnh Quảng Trị. Địa thế núi rừng Hướng Hóa rất đa dạng. Núi và sông xen kẽ nối tiếp nhau. Khí hậu mang những nét điển hình của khí hậu nhiệt đới - gió mùa, quanh năm nóng ẩm dạng. Có tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Du lịch sinh thái phát huy tối đa thế mạnh về du lịch kết hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại các điểm du lịch có tiềm năng, như hồ Tân Độ, hồ Khe Sanh, thác Chênh Vênh, thác Tà Puồng, lòng hồ Thủy điện Quảng Trị, thủy điện Rào Quán, suối Tà Đủ, hang động Brai, hệ thống hang động Kulum; đỉnh Voi Mẹp… Xây dựng, triển khai các kế hoạch “Phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng liên vùng Khe Sanh, Hướng Phùng và các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh” nhằm phát huy các lợi thế sẵn có tại địa phương như các mô hình du lịch ngắm hoa, điện gió và trải nghiệm đời sống của dân tộc Vân Kiều - Pa Kô; tắm suối, cắm trại, vui chơi, nghỉ dưỡng.

Khách du lịch thích thú, khi tham qua các điểm du lịch sinh thái tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử chú trọng khôi phục các hoạt động lễ hội; triển khai kế hoạch dài hạn trong việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia, cấp tỉnh nhằm đầu tư hạ tầng, các dịch vụ, phát triển nhân lực du lịch. Rà soát, đánh giá, xây dựng hệ thống panô, áp phích giới thiệu về di tích, danh thắng, các khu du lịch trọng điểm của huyện.
Sản phẩm du lịch cộng đồng - làng nghề chú trọng xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chú trọng việc ưu tiên đầu tư về hạ tầng, cải tạo, nâng cấp môi trường, cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ; khôi phục các nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống; hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch Homestay, Farmstay. Đầu tư, triển khai xây dựng các làng văn hóa du lịch dân tộc Vân Kiều - Pa Kô như làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, nhạc cụ dân tộc; hỗ trợ sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch.

Du khách đến tham quan các Homestay, tại huyện Hướng Hóa.
Trước hết, cần phải đổi mới, nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ phát triển du lịch, về lợi ích tổng hợp do ngành du lịch mang lại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập. Khai thác du lịch trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên; khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương Hướng Hóa. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững; không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu, thái độ phục vụ để thu hút khách.
Với tiềm năng thế mạnh sẵn có, nếu được đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ, đúng hướng, chắc chắn rằng trong tương lai không xa, du lịch cộng đồng của huyện miền núi Hướng Hóa sẽ thực sự được đánh thức.
Cái Văn Long