Quốc hội khóa XV: Không còn “Xuân - Thu nhị kỳ”, sẵn sàng quyết đáp vấn đề “nóng”!

29/12/2022 09:18

(NB&CL) Theo dự kiến, Kỳ họp bất thường thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào đầu tháng 1/2023. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, do việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nên Kỳ họp cần phải được tiến hành khẩn trương, tập trung cao độ để kết thúc sớm. Theo đó, dự kiến Kỳ họp khai mạc vào thứ Năm, ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều thứ Hai, ngày 9/1/2023. Quốc hội làm việc 4 ngày, dự phòng 1 ngày.

Những nội dung dự kiến của Kỳ họp bất thường lần này, để quyết đáp kịp thời các vấn đề cấp bách từ thực tiễn, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm, ủng hộ.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa xung quanh kỳ họp này.

quoc hoi khoa xv khong con xuan  thu nhi ky san sang quyet dap van de nong hinh 1

Theo dự kiến, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Ảnh minh họa.

Nhanh nhưng phải “chín”

+ Thưa đại biểu Quốc hội, trước đây, chúng ta vẫn thường quen với việc Quốc hội tổ chức mỗi năm 2 kỳ họp giống như “Xuân – Thu nhị kỳ”; nhưng gần đây, Quốc hội đã liên tục đổi mới, linh hoạt cả về nội dung lẫn hình thức, đã có Kỳ họp bất thường để quyết đáp kịp thời những vấn đề “nóng”, cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Quan điểm của ông như thế nào khi Quốc hội chuẩn bị tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai (sau khi vừa kết thúc Kỳ họp định kỳ vào tháng 11 vừa qua)?

- Tôi cho rằng, việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai là rất cần thiết. Đúng ra, có những nội dung đã dự kiến thông qua ở Kỳ họp thứ 4 vừa qua nhưng do những nội dung đó chưa đủ “chín”, hoặc do phía Chính phủ chuẩn bị nội dung chưa kịp, dẫn đến việc thẩm tra chậm nên chưa thể thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Nhưng để giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, liên quan đến quốc kế dân sinh, Quốc hội sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những vướng mắc về thể chế, chính sách. Nếu chờ đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội thì sẽ “trễ nhịp”, do đó cần thiết tổ chức Kỳ họp bất thường để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến những chương trình mục tiêu của Chính phủ đề ra trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2022-2023.

Đặc biệt, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần cho ý kiến lần nữa, đáng lẽ ra dự thảo Luật này cho ý kiến lần thứ ba là phải ở Kỳ họp giữa năm 2023. Tuy nhiên, nếu chờ tới giữa năm 2023 để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua thì khi có hiệu lực thi hành sẽ bị chậm trễ. Cho nên việc ban hành Luật càng sớm càng tốt. Nhanh nhưng phải “chín”.

+ Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), qua theo dõi những nội dung thảo luận, giải trình tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội thấy rằng dự án Luật đã gần “chín” chưa, được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa?

- Tôi rất quan tâm tới dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và qua theo dõi, giám sát, tôi thấy các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã chuẩn bị, thẩm tra rất kỹ lưỡng.

Trước đó, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV; tuy nhiên, tại thời điểm đó cũng còn những kiến khác nhau nhưng không nhiều, với tinh thần trách nhiệm, vừa khẩn trương nhưng cũng vừa phải hết sức thận trọng, Quốc hội đã nhất trí “để lại” dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Đây là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung khó, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, lấy người dân làm trung tâm nên càng phải thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng; chứ không phải là cứ trình đủ số kỳ họp thì Quốc hội sẽ thông qua, nếu thấy còn vướng mắc thì Quốc hội sẽ còn phải bàn thêm cho đến khi đạt được sự thống nhất cao, mục tiêu cuối cùng là để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Cho đến nay, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cũng như Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thẩm tra rất kỹ lưỡng nội dung. Đối với những ý kiến còn khác nhau mà đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 4 thì sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường tới đây để thông qua. Tôi kỳ vọng, vấn đề này sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân, để Luật sớm có hiệu lực thi hành, sớm đi vào cuộc sống.

quoc hoi khoa xv khong con xuan  thu nhi ky san sang quyet dap van de nong hinh 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát

+ Một trong những nội dung dự kiến tại Kỳ họp bất thường tới đây, đang được dư luận quan tâm đó là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy, đại biểu quan tâm, trăn trở vấn đề nào nhất trong nội dung này?

- Đây cũng là nội dung ban đầu được dự kiến thông qua ở Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, tuy nhiên, do các cơ quan trình chưa kịp, làm thủ tục chưa đầy đủ, chưa “chuẩn”; do đó, nội dung này cũng sẽ được xem xét, thông qua ở Kỳ họp bất thường sắp tới.

Đây là vấn đề cốt lõi, liên quan đến tầm nhìn tổng thể để phát triển đất nước. Chúng ta rất cần một quy hoạch tổng thể chung, và từ đó sẽ có quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia mang một tầm vóc hết sức lớn để có một định hướng, tầm nhìn chỉ đạo chung cho toàn quốc. Đặc biệt, tôi cho rằng, cần chú trọng phát triển không gian đô thị của các thành phố lớn; mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, trên biển, đường sắt và hàng không; quy hoạch về lĩnh vực văn hóa, an ninh quốc phòng…

+ Thưa ông, năm 2022 sắp kết thúc, nhìn lại một năm qua, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2022?

- Năm 2022 chuẩn bị khép lại, có thể nói rằng, trong năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Các chương trình giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được lựa chọn kỹ lưỡng; là những chương trình giám sát rất đặc biệt, quan trọng, mang tầm vóc quốc gia, liên quan đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Một điểm mới nữa là, các Đoàn giám sát đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Có thể nhận thấy, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát. Vấn đề này được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

+ Xin trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội!

N.Hường (Thực hiện)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quốc hội khóa XV: Không còn “Xuân - Thu nhị kỳ”, sẵn sàng quyết đáp vấn đề “nóng”!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO