Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2023, bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước
(CLO) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký chứng thực Nghị quyết số 223/2025/QH15 của Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 đối với số tăng thu chưa được cập nhật tại Nghị quyết số 1077/NQ-UBTVQH15 ngày 28/6/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023 với tổng mức là 16.655 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách trung ương là 12.974 tỷ đồng và tăng thu ngân sách địa phương là 3.681 tỷ đồng.

Quốc hội cũng quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023. Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 3.023.547 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2022, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 3.176.154 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024.
Bội chi ngân sách nhà nước là 291.564 tỷ đồng, bằng 2,83% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 482.625 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, khắc phục các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Trong năm 2025, cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước; tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế và các kiến nghị nêu trong Báo cáo tiếp thu, giải trình số 1356/BC-UBTVQH15 ngày 26/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra số 378/BC-UBKTTC15 ngày 16/5/2025 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Báo cáo số 41/BC-KTNN ngày 13/5/2025 của Kiểm toán Nhà nước và các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, Chính phủ có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm của người đứng đầu, các tập thể, cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước nếu không chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong các khâu lập, chấp hành và quyết toán ngân sách năm 2023; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân tại các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị có liên quan nếu để xảy ra sai phạm.
Cùng với đó, tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác lập, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước gắn với điều hành và xây dựng kế hoạch huy động vốn vay để bù đắp bội chi và trả nợ gốc, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước cũng phải được quản lý đúng quy định.
Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong công tác lập, xét duyệt, thẩm định và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.