Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
(CLO) Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 7, sáng 21/5 Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục.
Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về dự án Luật.
Sau phần trình bày báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại biểu Triệu Thanh Dung (Đoàn Cao Bằng) góp ý kiến: Về chính sách đối với người học và người làm trong ngành Giáo dục. Dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Riêng đối với chính sách cho sinh viên sư phạm, tôi đề nghị cần có chế độ chính như ngành công an, quân đội nhằm thu hút được nhân tài cho ngành Giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung (Đoàn Cao Bằng)
Mục tiêu của chính sách là thu hút người giỏi vào sư phạm. Do đó, cũng cần có quy định tuyển sinh, sinh viên ra trường phải được sắp xếp việc làm và có ưu đãi về thu nhập tương xứng. Tôi tán thành với quy định nâng chuẩn đối với giáo viên nhưng cần có lộ trình hợp lý. Tôi đề nghị lộ trình nâng chuẩn của giáo viên từ nay đến năm 2030. Ngoài ra cần có quy định thống nhất về độ tuổi nhận trẻ mầm non ở các trường công lập, đại biểu Triệu Thanh Dung chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)
Bày tỏ quan điểm thống nhất về một số quy định trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chia sẻ: Riêng về liên thông trong giáo dục là cần thiết, tuy nhiên cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Chính sách đối với người học, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm giống như các trường công an, với điều kiện là điểm cao. Sinh viên ra trường được xếp việc làm. Cần giao quyền chủ động cho các nhà trường, nhưng cũng cần có cơ chế kiểm soát để tránh “lạm quyền”. Cần tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy ( Đoàn Thanh Hóa)
Theo ý kiến của đại biểu Bùi Thị Thủy (Đoàn Thanh Hóa): Về phương pháp giáo dục, đề nghị bổ sung vào Điều 7 cụm từ “lấy người học là trung tâm". Đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời chuyển nội dung điều 20, điều 21, thêm hành vi phân biệt đối xử vào các hành vi bị nghiêm cấm. Về cơ sở giáo dục phổ thông, đề nghị trong luật có thêm quy định về trường có nhiều bậc học. Liên quan đến quy định hội đồng trường, đại biểu đề nghị cần bổ sung thành phần là người dại diện cho học sinh. Cũng theo đại biểu, đề nghị thay từ “động viên” thành “tuyên truyền” nhằm thể hiện hết trách nhiệm của các tổ chức xã hội đối với giáo dục.
Đắc Nguyên