Tin tức

Quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh lòng vòng, lách luật

Nguyễn Hường 13/05/2025 19:23

(CLO) Đại biểu Quốc hội nêu rõ, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh trường hợp khi năng lực doanh nghiệp không thực hiện được, chuyển nhượng dự án lòng vòng, dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và không thực hiện được các công trình trọng điểm.

Ngày 13/5, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liên quan Điều 26 về bảo toàn và phát triển vốn, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị, điều chỉnh bổ sung một khoản, không áp dụng tiêu chí đánh giá, bảo toàn phát triển vốn đối với phần vốn mà doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị, xã hội do Đảng, Nhà nước giao.

“Trong một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh rất quan trọng, nếu áp dụng nguyên tắc như trên rất khó”, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói.

3(1).jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu.

Nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý vào khoản 4, Điều 21 về chuyển nhượng dự án đầu tư. Đại biểu cho rằng, suốt thời gian qua, có câu chuyện rất nhiều dự án do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm nhưng bị chậm thời gian, chậm tiến độ, bị đội vốn, có tiêu cực xảy ra cần giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức dẫn chứng: “Đối chiếu một loạt quy định tại Luật Đầu tư cho phép thực hiện chuyển nhượng các dự án, nhưng có nhiều trường hợp lách, mua bán chuyển nhượng cổ phần, năng lực nhà đầu tư yếu kém…”.

4.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức tham gia thảo luận.

Đại biểu đề nghị, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh trường hợp khi năng lực doanh nghiệp không thực hiện được, chuyển nhượng dự án lòng vòng, dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và không thực hiện được các công trình trọng điểm.

“Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể để tránh việc lách luật”, đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, vốn doanh nghiệp Nhà nước cũng do người dân bỏ ra, do đó, những gì doanh nghiệp Nhà nước làm được thì cũng nên cho doanh nghiệp tư nhân làm được.

“Có những lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước làm bị lỗ nhưng doanh nghiệp tư nhân làm lại có lãi, đóng góp phân sách cho nhà nước. 47% GDP do doanh nghiệp tư nhân đóng góp, nhiều người nói doanh nghiệp Nhà nước gánh an sinh xã hội, song lũ lụt, thiên tai, doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều. Có một số lĩnh vực như ngành than, ngành điện rất lỗ nhưng vẫn độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước”, vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.

5.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Về hoạt động đầu tư ngoài ngành, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí. Một số doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro nên cần quy định cụ thể các lĩnh vực được phép đầu tư ngoài ngành, tránh rủi ro và đảm bảo hiệu quả.

“Về phân phối lợi nhuận sau thuế, tôi cho rằng, cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện các dự án chiến lược, tránh tình trạng nộp ngân sách rồi xin lại vốn. Tôi đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để đầu tư phát triển trong các trường hợp đặc thù, như dự án trọng điểm hoặc lĩnh vực tiên phong”, đại biểu Hòa kiến nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh lòng vòng, lách luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO