Quy định của lòng Dân!

Thứ tư, 01/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Kiểm soát quyền lực - câu chuyện hoàn toàn không mới. Câu chuyện thể hiện một trong những “khâu yếu” của công tác cán bộ hiện nay, nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp.

Sự kiện: Cửa Lò

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải “nhốt” quyền lực trong cái “lồng” luật pháp. “Lồng cơ chế” chính là bằng các quy định, quy chế, quy trình. Và quan trọng, cả hệ thống chính trị phải tham gia đan “cái lồng” đó. Việc Bộ Chính trị công bố Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã giải tỏa được tâm trạng lo lắng và tạo nên sự phấn khích đặc biệt trong dư luận cả nước.

Bế mạc hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN

Bế mạc hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN

1. Số liệu thống kê cho thấy có 53.107 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị sa lưới pháp luật. Tuy nhiên, chặn lại việc chạy chức, chạy quyền, mua bán quyền lực, dư luận xã hội cho thấy vẫn có vẻ như “nan giải”. Quyền lực lọt vào tay những người có vị thế cao mà lương tâm bất hảo, họ sử dụng quyền đó để làm bất cứ việc gì họ muốn. Thấy đó mà không làm gì được. Quả như một sự thách đố với nhân dân! Không ai yêu chế độ này, đất nước này không đau lòng vì điều này. Không ai không hoài nghi về “quy trình” và hoài nghi về những người được giao trọng trách “làm chủ” quy trình. Cho nên, không phải tự nhiên, trước “thềm” Đại hội Đảng, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Với những thông tin công khai, rành rẽ, dân chủ của Quy định như thế, một lần nữa lòng tin của quảng đại quần chúng đã nhanh chóng được nâng lên tầm cao mới. Trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền Hoàng Trọng Hưng cho biết, Quy định 205 là một bước tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như các Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta nêu rõ yêu cầu: Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Việc sử dụng quyền lực được giao phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đến Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII, Đảng ta nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực được giám sát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Trong thời điểm hiện nay, với việc các cấp ủy đảng đang triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng (trong đó có nội dung chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới), thì việc ban hành Quy định 205 chính là góp phần lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín cho nhiệm kỳ mới.

Soi chiếu nội dung Quy định dưới các góc cạnh khác nhau, nhiều ý kiến trong dư luận nhân dân cũng nhận thấy, Quy định 205 còn gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của đảng viên. Bằng chứng là Quy định đã nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền không được bố trí những người có quan hệ gia đình như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột không được cùng đảm nhiệm một số chức vụ, như thường trực cấp ủy, trưởng ban tổ chức, kiểm tra, thanh tra, hay cùng một ban cán sự đảng, đảng đoàn. Tương tự, với việc chống “hoàng hôn nhiệm kỳ”, thì người đứng đầu một tổ chức khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác, nếu có nhu cầu về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của mình phải báo cáo lên cấp trên và xin ý kiến cấp trên. Rõ ràng và chặt chẽ.

Bế mạc hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN

Bế mạc hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN

2. Nhốt quyền lực vào “lồng” cơ chế, bằng các quy định pháp luật..., kiểm soát quyền lực và người được trao quyền lực, nhất là quyền lực liên quan đến công tác cán bộ, là việc vô cùng quan trọng. Từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều quy chế, quy định xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực. Không kiểm soát quyền lực tốt làm sao có vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng nghiêm khắc, với án tử hình vì tội tham nhũng năm 1950, hay năm 1964 một Thứ trưởng Bộ Canh nông lúc bấy giờ đã bị xử tử, rồi được đăng công khai thông tin trên báo chí lúc bấy giờ. Văn bản kiểm soát quyền lực đầu tiên chính là bản Quốc lệnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 26/1/1946, gồm 10 điều thưởng và 10 điều phạt, trong đó 10 điều phạt là 10 điều gắn với án xử tử. Nhìn từ Quốc lệnh đến nay, qua 73 năm, thì Quy định 205 do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/9/2019 là quyết định mang tầm chiến lược, rất căn bản và quan trọng trong công tác cán bộ. Nói cách khác, đây là văn bản bàn định trực tiếp việc thực thi kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung, đổi mới và kiến tạo bộ máy và đội ngũ cán bộ nói riêng mà nói như nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: “là một thông điệp chính trị, một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ”.

Quy định về vấn đề này ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng hơn, giúp cho công tác chuẩn bị nhân sự tới đây thật kỹ lưỡng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công tác chuẩn bị nhân sự phải được tiến hành từng bước, từng việc, thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, bảo đảm thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy khóa tới”. Những người không xứng đáng là những người cơ hội chính trị, những người chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Thực tế vừa qua, khi xử lý những vụ án kinh tế lớn, chúng ta có thể tính ra thiệt hại, lãng phí, thậm chí tham ô, tham nhũng, thất thoát bằng tiền. Nhưng khi mất mát về cán bộ, không thể tính được bằng tiền. Hậu quả về con người không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục được.

Với Quy định của Bộ Chính trị lần này và ngay khi quy định được ban hành, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo được dư luận rất tốt, cán bộ, đảng viên hoan nghênh, dư luận đồng tình, nhân dân hưởng ứng. Một chủ trương, nghị quyết, quy định khi đáp ứng được mong mỏi của người dân, được dân tích cực hưởng ứng, giám sát thì chắc chắn sẽ thành công, chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống.

3. Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực. Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía.

Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.

Cần thiết lập một môi trường minh bạch và dân chủ để cánh cửa của Đảng mở ra cơ hội trở thành lãnh đạo cho những người tài. Cần phải có những quy định để một cán bộ không thể bổ nhiệm vợ, chồng, con cái, dâu rể, anh em ruột vào những vị trí thuộc quyền hạn hoặc trong tầm ảnh hưởng của mình. Tham nhũng dù tiền bạc hay quyền lực cũng đều đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền. Nhưng tham nhũng bằng cách ban phát chức tước cho người nhà, cho các nhóm đặc quyền thì di hại là lâu dài. Cái giá mà đất nước phải trả cho nạn tham nhũng quyền lực không chỉ là niềm tin của người dân hôm nay mà còn là niềm tin vào tương lai đất nước.

Chúng ta không thể kỳ vọng một bộ luật có thể bịt được tất cả các kẽ hở của cuộc sống. Nhưng phải nói đây là quy định căn bản, quy định gốc trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Và lần đầu tiên Đảng ta đặt thẳng một quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền” là sự tiên liệu và thực thi một vấn đề mang ý nghĩa thành bại mang tầm chiến lược về công tác vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng này.

Khánh An

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn