Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, UBTVQH nhận thấy, nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão ( Đoàn Nghệ An) cho rằng, tại điểm c khoản 1 Điều 11 dự thảo luật quy định điều kiện phải chấp hành xong án phí, các khoản tiền phạt mới được xem xét đặc xá là chưa hoàn toàn đúng với bản chất đặc xá, chính sách khoan hồng của nhà nước đối với người phạm tội. Vì tại thời điểm xét đặc xá, những trường hợp quá nghèo, không đủ tiền để nộp phạt nhưng có cải tạo tốt hoặc công lớn cần đề xuất lên Chủ tịch nước quyết định. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về vấn đề để tránh tạo dư luận hiểu sai về chính sách khoan hồng của nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Mão (Ảnh quochoi.vn)
Cần làm rõ khái niệm "lập công lớn" quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11: "Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện" vào trong điều này hoặc đưa vào giải thích thuật ngữ tại Điều 3 cho rõ khái niệm "lập công lớn". Tham khảo Nghị quyết 01 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tình tiết đã lập công chuộc tội là giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự năm 1999, 2015 vẫn giữ nguyên nội dung này. Theo đó, có thể giải thích "lập công lớn" theo hướng trường hợp người phạm tội đã ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, đồng thời có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác tham gia, phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của nhà nước, của tập thể, vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người khác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
Trách nhiệm của cơ quan trong tổ chức thực hiện đặc xá tại Chương IV. Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm giám sát của cơ quan dân sự, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để bảo đảm tính khách quan. Trong thực hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử ở trung ương và địa phương trong dự thảo luật Điều 12 quy định trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện đặc xá nhưng không có quy định nào về cơ quan dân cử của trung ương và địa phương.
Cùng quan điểm với Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) về quy định trách nhiệm giám sát của cơ quan Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động đặc xá là chưa phù hợp và tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng (Đoàn Điện Biên) cho biết thêm, về điều kiện đề nghị đặc xá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11: "Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt". Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, tôi cho rằng việc quy định đối tượng chỉ được xếp loại chấp hành án phạt tù khá vào nhóm đủ điều kiện đề nghị đặc xá chưa thực sự phù hợp. Vì chúng ta hiểu đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước đối với người bị kết án phạt tù, vì ý nghĩa này nên đối tượng được xem xét đặc xá phải có điều kiện đặc biệt, phải được xếp loại chấp hành án phạt tù từ tốt trở lên.
Đại biểu Mùa A Vảng (Ảnh quochoi.vn)
Tại điểm đ khoản 1 Điều 11 quy định "khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự". Với quy định này sẽ khó cho cơ quan chức năng có thể xác định đây là điều kiện đủ để người được đề nghị đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhiều năm qua cho thấy, quá trình thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn có trường hợp chưa về đến nhà đã thực hiện hành vi phạm tội, hoặc sau một thời gian tiếp tục tái phạm. Tỷ lệ này trên thực tế không cao mà theo báo cáo của Thường vụ Quốc hội tỷ lệ này là 1,16%. Nếu quy định đây là điều kiện để được xét đặc xá là không phù hợp, thiếu chặt chẽ. Vì vậy nên sửa lại điểm đ khoản 1 Điều 11 như sau:
“Có cam kết khi được đặc xá, không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Quy định như vậy sẽ phần nào đảm bảo chặt chẽ hơn. người được đề nghị đặc xá sẽ có một lời hứa cho tương lai sau khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, quyết tâm làm lại cuộc đời khi được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước” đại biểu Mùa A Vảng phân tích.
Đắc Nguyên