Quy định rõ việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ
(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 40/2024 quy định về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý của Thông tư mới đã quy định rõ việc phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo.

Quy định rõ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Ảnh minh họa.
Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo phải đảm bảo các yếu tố thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai.
Đối với công trình đang thi công xây dựng, nhà thầu thi công công trình đường bộ phải có phương án phòng ngừa thiên tai nhằm bảo đảm an toàn khối lượng đã thi công.
Đồng thời bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình phụ trợ, trang thiết bị thi công, kho bãi chứa vật liệu, nhà xưởng, nhà sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.
Quá trình thi công và hoàn thành công trình phải tuân thủ theo quy trình, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình liên quan đến đường bộ đang khai thác theo phương án, biện pháp tổ chức thi công, phương án phòng ngừa thiên tai; không vứt, bỏ vật liệu, phế thải làm tắc nghẽn dòng chảy.
Khi thi công xong phải thanh thải lòng sông để thoát nước tốt cũng như bảo đảm an toàn giao thông thủy. Khi có thiên tai sắp xảy ra trên khu vực công trình, phải bố trí người và phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục.
Về công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các các chủ thể quản lý tuyến đường có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai.