Quy định về học phí năm học 2021-2022 có gì mới?
(CLO) Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định miễn học phí trong thời hạn nhất định.
Đảm bảo không học sinh nào không được đến trường
Ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, có thể xem xét không thu học phí của người học. Ảnh minh họa
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn; giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường mầm non tư thục.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8, Bộ GD-ĐT cũng có đề nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022.
Được biết, đến nay đã có nhiều địa phương đã quyết định việc miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022.
Liên quan đến vấn đề học phí, ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc miễn giảm học phí
Theo Nghị định 81, năm học 2021-2022, ở cấp giáo dục mầm non, phổ thông, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí năm học 2020-2021.
Nghị định 81 cũng quy định, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Năm học 2022-2023, khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được chia theo vùng.
Cụ thể, vùng thành thị có mức học phí mỗi tháng từ 300.000 - 540.000 đồng/học sinh mầm non và tiểu học; cấp THCS và THPT có mức học phí từ 300.000 - 650.000 đồng/học sinh.
Vùng nông thôn có mức học phí mỗi tháng từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh mầm non và tiểu học; cấp THCS có mức học phí từ 100.000 - 270.000 đồng/học sinh; cấp THPT từ 200.000 - 330.000 đồng/học sinh.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có mức học phí mỗi tháng từ 50.000 - 110.000 đồng/học sinh mần non và tiểu học; cấp THCS có mức học phí từ 50.000 - 170.000 đồng/học sinh; cấp THPT từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên.
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định thì được tự xác định mức thu học phí.
Nghị định 81 cũng quy định rõ, từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.
Căn cứ khung học phí quy định nêu trên, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.
Trường hợp học trực tuyến (học online), UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành.
T.Toàn