Quy hoạch điện VIII: Mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu điện trong nước và tăng trưởng GDP 10%/năm
(CLO) Bộ Công Thương đã công bố Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu điện trong nước và tăng trưởng GDP 10%/năm
Ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch Điện VIII là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy hoạch Điện VIII cũng đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.
Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu, năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh. Công suất cực đại, năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW.
Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Cần có cơ chế đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng
Liên quan tới Quy hoạch Điện VIII, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Điều quan trọng hơn là việc tổ chức thực thi để biến Quy hoạch thành hiện thực, không để bị đứt gãy nguồn cung ứng điện để bảo đảm cho sự phát triển của đất nước trong những năm tới.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, cập nhật các dự án nguồn và lưới điện, tuân thủ thứ tự và danh mục ưu tiên đã đề xuất gửi Bộ Công Thương, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư các dự án trọng điểm LNG Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Cà Ná vào cuối quý 2, đầu qúy 3 năm nay; các dự án LNG Hải Phòng, Công Thanh, Vũng Áng 3, Quảng Trạch 3, Hiệp Phước 2 cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và lựa chọn chủ đầu tư muộn nhất là cuối quý 3, đầu quý 4/2025 để khẩn trương triển khai thực hiện.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng công trình, bảo đảm hoàn thành các dự án điện theo đúng tiến độ đề ra. Tiến độ các dự án phải được xem là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay, Quy hoạch đã điều chỉnh, bổ sung dư địa phát triển, hành lang pháp lý đã đầy đủ nên việc triển khai Quy hoạch điện VIII thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của các địa phương và năng lực thực sự của các nhà đầu tư.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tích cực phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, để tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, nhất là những cơ chế chính sách liên quan đến các cơ chế tài chính, giá điện.
Theo Bộ trưởng, cần có cơ chế đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực và chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện đã được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong triển khai dự án, bảo đảm tiến độ được duyệt theo quy hoạch.
Bộ trưởng yêu cầu EVN tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung giá các loại hình điện năng cho sát với thực tiễn diễn biến của thị trường và đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư. EVN cùng điện lực các địa phương cần khẩn trương xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ cả truyền tải liên miền và nội miền. Đồng thời tập trung đẩy mạnh tiến độ đàm phán để có thể triển khai trên thực tế dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các dự án nguồn điện trọng điểm đã có trong quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các Tập đoàn PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc cần phải rà soát, thực hiện đẩy đủ, bảo đảm cung ứng đủ nguồn nguyên liệu sơ cấp cho sản xuất điện; đồng thời tích cực, chủ động triển khai, bảo đảm đúng tiến độ dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án nguồn điện, lưới điện được giao.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương cam kết luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để các địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.