(CLO) Theo số liệu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 3/2016, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã lên đến 2,62%, tăng 0,07% so với con số 2,55% vào cuối năm 2015. Đây là một dấu hiệu không khả quan cho ngành ngân hàng đặc biệt là trong bối cảnh NHNN và các ngân hàng sẽ tăng cường cho vay vốn (chú trọng cho vay tín dụng) để hộ trợ DN trong kinh doanh và sản xuất.
Theo báo cáo tài chính của một số ngân hàng thì có thể thấy, nợ xấu lại đang có dấu hiệu tăng cả số tương đối và tuyệt đối. Nếu trong những quý trước của năm 2015, nợ xấu vẫn gia tăng xét về số tuyệt đối nhưng do tốc độ tăng trưởng cho vay tăng mạnh đột biến (có ngân hàng cho vay tăng trưởng 49%) nên tỷ lệ nợ xấu nhờ đó đã giảm nhưng chỉ là về mặt "kỹ thuật".
Đến quý vừa qua, không những số nợ xấu tuyệt đối mà tỷ lệ nợ xấu cũng đã tăng trở lại. Bởi khi cho vay tăng trưởng “nóng” thì khả năng gia tăng nợ xấu của hầu hết các ngân hàng càng cao và càng về sau nợ xấu sẽ càng tăng cao khi được tích tụ trong một thời gian dài.
Kết quả báo cáo của các ngân hàng trong quý I/2016 đều cho thấy nợ xấu của hầu hết các ngân hàng này đều tăng cả số tương đối và tuyệt đối.
Hiện, BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với con số lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của đơn vị này ở mức 1,8%, cao hơn mức 1,67% hồi cuối năm 2015. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do ngân hàng này phải tiếp tục gánh nợ sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB thời gian vừa qua.
Hai ngân hàng khác là Vietcombank và VietinBank cũng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng và có cùng tình trạng nợ có khả năng mất vốn ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1,84% và trong gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tính đến cuối tháng 3 là 0,96% vói con số hơn 5,3 nghìn tỷ nợ xấu này thì cũng có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn. Trong khi đó, tăng trường tín dụng của cả 3 ngân hàng trên cũng chỉ đạt 4% so với cuối năm 2015. Đây là mức tăng trưởng không phải là quá cao.
Tại ngân hàng Eximbank, tổng số nợ xấu của ngân hàng này là 2.300 tỷ đồng, chiếm 2,78% tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 1,85% vào cuối năm 2015. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều tăng vọt so với cuối năm ngoái. Hay như tại ngân hàng ACB, tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2016 vẫn ở mức 1,3% nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng 200 tỷ đồng so với cuối năm, lên mức 1.315 tỷ đồng, chiếm 70% nợ xấu.
Điều này cho thấy, việc các ngân hàng tăng cường cho vay trong thời gian tới sẽ có thể khiến nợ xấu tăng trưởng mạnh trở lại. Trong khi đó, những món nợ xấu tại VAMC vẫn chưa thể giải quyết nhanh chóng và triệt để. Và bong bóng nợ xấu đang có xu hướng hình thành là ời cảnh báo cho toàn bộ hệ thống ngân hàng trong thời gian tới đặc biệt là đối với các chính sách điều hành của NHNN khi trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có sự chỉ đạo NHNN phải tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm 2016. Đây cũng là yếu tố khiến nợ xấu được duy trì ổn định.
[su_note note_color="#84dfd7" text_color="#020202"]
Trước đó, đại diện ngân hàng Eximbank cũng cho biết, trong năm 2016, ngân hàng này sẽ bán 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tính đến ngày 31/12/2015, Eximbank đã xử lý hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu, trong đó hơn 2.200 tỷ đồng là nợ đã bán cho VAMC. Đến 30/9/2015, EIB đã bán 6.800 tỷ đồng cho VAMC. Đến nay, EIB còn 5.600 tỷ đồng nợ xấu chờ bán cho VAMC. Từ đầu năm đến nay, tổng nợ đã thu hồi vào khoảng 950 tỷ đồng nợ xấu, trong đó gần 300 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC. HĐQT sẽ tiếp tục xử lý rủi ro, giải quyết hàng loạt yêu cầu xử lý nợ của khách hàng.[/su_note]
Quỳnh Liên