Nhà báo tham gia mạng xã hội – không chỉ để chia sẻ buồn vui với bạn bè mà còn có thêm nhiều “đất diễn”, bày tỏ quan điểm của mình trước những vấn đề xã hội quan tâm.
Tôi nghĩ rằng, tự thân các nhà báo khi tham gia mạng xã hội đã có những phát ngôn cẩn trọng hơn nhiều người khác. Trước hết đó là “phản xạ” nghề nghiệp, là việc thể hiện lời nói với quan điểm, chính kiến rõ ràng, sẵn sàng phản biện để bảo vệ chính kiến của mình. Họ không mất thời gian để đưa ra những thông tin tầm phào, nhạt nhẽo, như hòn sỏi rơi tõm xuống ao bèo. Họ coi mạng xã hội là một kênh thông tin rộng lớn để được thỏa sức vẫy vùng trong nghiệp viết. Thông tin mà họ đưa lên mạng xã hội có thể “xuôi”, có thể “ngược” nhưng thường là đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Cũng vì thế mà trách nhiệm với ngòi bút của nhà báo cũng rất lớn. Là những người cầm bút có lòng tự trọng nghề nghiệp, khi tham gia mạng xã hội, họ có thể thoải mái phát ngôn nhưng không phải để “nói cho sướng mồm”. Họ vẫn trăn trở với việc làm sao góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội ổn định, con người sống ngày càng văn minh và có trách nhiệm cao với cộng đồng…
Tuy nhiên, có một thực tế là một số nhà báo đã khá “thoải mái” khi viết bài trên mạng xã hội với những thông tin gây hiểu lầm, bất lợi cho đất nước, ảnh hưởng tới ngoại giao quốc tế, gây nên những bất ổn xã hội. Đó là những thách thức không nhỏ cho công tác định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Giữa thời đại internet, thế giới nhỏ chỉ như trong lòng bàn tay… việc Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên HNBVN” có ý nghĩa giúp các nhà báo xác định rõ thêm vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội. Đây là một quy ước mang tính nghề nghiệp nên khuyến khích người làm báo sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm cao nhất chứ không hạn chế vào “quyền được nói” của họ.
H.V (ghi)