Tiêu điểm Quốc tế

Quyết định của Tổng thống Pháp và tương lai tiến trình hòa bình Israel - Palestine

Hùng Anh 28/07/2025 08:52

(CLO) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tuyên bố sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Quyết định này không chỉ đánh dấu bước đi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp, mà còn có thể tác động sâu rộng đến tiến trình hòa bình trong khu vực.

Ngày 24/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới. Ông nhấn mạnh ưu tiên cấp thiết là chấm dứt xung đột tại Gaza và hỗ trợ dân thường, đồng thời khẳng định hòa bình vẫn có thể đạt được. Tổng thống Macron đã gửi thư cho người đứng đầu Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas để thông báo về quyết định này.

Phó Tổng thống Palestine Hussein al-Sheikh bày tỏ sự cảm kích, cho rằng đây là sự thể hiện cam kết của Pháp với luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của người Palestine. Phong trào Hamas cũng hoan nghênh, gọi đây là bước đi tích cực.

Ở khu vực Trung Đông, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đánh giá sáng kiến của Pháp là “lịch sử” và kêu gọi các quốc gia khác công nhận Palestine. Bộ Ngoại giao Jordan bày tỏ hy vọng quyết định của Pháp sẽ thúc đẩy làn sóng công nhận Nhà nước Palestine. Các lãnh đạo Tây Ban Nha và Na Uy cũng có phản ứng tích cực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ảnh: IISS Shangri-la Dialogue
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: IISS Shangri-la Dialogue

Ngược lại, Israel và Mỹ phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng việc công nhận Palestine “là phần thưởng cho khủng bố và có nguy cơ tạo ra thêm một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran trong khu vực”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết nước này kịch liệt phản đối kế hoạch của Tổng thống Pháp về việc công nhận nhà nước Palestine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Mỹ đánh giá đây là quyết định liều lĩnh, chỉ phục vụ cho tuyên truyền của Hamas và cản trở hòa bình và một cái tát vào mặt các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 7/10.

Động thái của Pháp phản ánh nỗ lực cân bằng chính sách Trung Đông giữa ủng hộ quyền tự quyết Palestine và duy trì quan hệ với Israel, đồng thời có thể tạo áp lực lên cộng đồng quốc tế trong việc tái khởi động tiến trình hòa bình vốn đang bế tắc.

Tạo hiệu ứng dây chuyền trong việc công nhận Palestine?

Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc công nhận Nhà nước Palestine được xem là phản ứng trực tiếp trước bài phát biểu ngày 10/7 của người đứng đầu Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Pháp và Ả Rập Xê Út, trong đó ông Abbas đề xuất phi quân sự hóa Hamas và triển khai lực lượng quốc tế nhằm bảo vệ dân thường tại Gaza.

Paris đang tích cực đảm nhận vai trò trung gian hòa giải trong xung đột Trung Đông. Dưới sự phối hợp của Pháp và Ả Rập Xê Út, một hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine từng dự kiến tổ chức tại New York tháng 6 nhưng bị hoãn do áp lực từ Mỹ. Hội nghị sau đó được hạ cấp xuống cấp bộ trưởng và lên lịch lại vào cuối tháng 7, cùng với cuộc họp cấp cao về Palestine bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào mùa thu.

Một số quốc gia phương Tây cũng thể hiện thiện chí hỗ trợ, như Canada với cam kết thúc đẩy lập Nhà nước Palestine. Anh tuyên bố ủng hộ nhưng chưa có hành động cụ thể, trong bối cảnh áp lực nội bộ từ phe ủng hộ công nhận ngay lập tức nhằm đối phó với hậu quả chiến tranh tại Gaza.

Theo Phó Giáo sư Alexey Chikhachev, chuyên gia nghiên cứu châu Âu, Tổng thống Macron muốn khởi động làn sóng công nhận Palestine trong EU hoặc ít nhất nâng cao uy tín của Pháp như một người ủng hộ chính sách hai nhà nước. Tuy nhiên, các quốc gia lớn như Đức hay Ý có thể sẽ thận trọng hơn, khó theo chân Pháp ngay lập tức.

Tại châu Âu, tình hình nhân đạo ở Gaza đang thúc đẩy việc xem xét điều chỉnh quan hệ với Israel, bao gồm khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và đình chỉ thỏa thuận liên kết. Song, EU chưa đạt được đồng thuận, chủ yếu do lập trường cân bằng của Đức, vốn được xem là đồng minh quan trọng của Israel. Thủ tướng Đức Friedrich Merz khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel, đồng thời cảnh báo các hành động ở Gaza “không còn được chấp nhận”, nhưng bác bỏ việc áp đặt trừng phạt tương tự như với Nga.

Có thể thấy, quyết định của Pháp có thể tạo động lực thúc đẩy công nhận Palestine trên phạm vi quốc tế, nhưng sự chia rẽ trong EU và phản đối từ Mỹ, Israel vẫn là rào cản đáng kể trong tiến trình này.

Tương lai tiến trình hòa giải Trung Đông

Tuyên bố của Tổng thống Macron về công nhận Nhà nước Palestine được đưa ra trong bối cảnh thất bại của vòng đàm phán hòa bình ngày 24/7 với sự tham gia của Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại Qatar. Washington đã rút đoàn đàm phán do Hamas thể hiện lập trường không sẵn sàng ngừng bắn, buộc Mỹ phải tìm kiếm các phương án thay thế.

Chuyên gia Alexey Chikhachev nhận định, Tổng thống Macron muốn gửi thông điệp rằng không phải toàn bộ châu Âu ủng hộ tuyệt đối chính sách của Mỹ và Israel. Ông nhấn mạnh đây là bước đi trong chiến lược tái khẳng định ảnh hưởng của Pháp tại Trung Đông sau thời gian “bị gạt ra lề” vì thiếu sáng kiến lớn và liên minh hiệu quả trong khu vực. Quyết định công nhận Palestine phù hợp với định hướng mới này.

Hình ảnh đổ nát tại Gaza mà Tổng Thư ký LHQ từng chia sẻ trên MXH. X/antonioguterres
Hình ảnh đổ nát tại Gaza mà Tổng Thư ký LHQ từng chia sẻ trên MXH. Ảnh: UNRWA

Tuy nhiên, theo chuyên gia Andrei Zeltyn, Viện nghiên cứu phương Đông, Trường Đại học nghiên cứu quốc gia Nga cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron khó có tác động trực tiếp đến tình hình Gaza, vì không xác định rõ ranh giới và phạm vi tồn tại của Nhà nước Palestine, vốn là yếu tố then chốt trong bất kỳ giải pháp nào.

Chuyên gia Andrei Zeltyn đánh giá Paris đang cố gắng khôi phục ảnh hưởng tại khu vực phía nam biên giới, nhưng khó kỳ vọng tuyên bố này tạo đột phá trong quan hệ với giới tinh hoa Trung Đông, đặc biệt khi Mỹ vẫn duy trì quan hệ chặt với các đồng minh như Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Út và Jordan tuy hoan nghênh nhưng không cho thấy ý chí giải quyết triệt để quyền tự quyết của Palestine.

Về triển vọng hòa giải, chuyên gia người Nga nhận định một thỏa thuận Israel-Hamas trong ngắn hạn rất khó xảy ra. Israel đang đối mặt với những vấn đề nội bộ và sự chia rẽ về chính sách hòa bình, trong khi Hamas hiểu rằng nhượng bộ sẽ làm mất vị thế chiến lược của họ, dẫn đến nguy cơ sụp đổ.

Rõ ràng, sáng kiến của Tổng thống Pháp Macron có thể làm thay đổi cán cân chính trị và thúc đẩy làn sóng công nhận Palestine, nhưng không đủ để đẩy nhanh hoặc đảm bảo tiến trình hòa bình vốn đang bị tắc nghẽn sâu sắc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyết định của Tổng thống Pháp và tương lai tiến trình hòa bình Israel - Palestine
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO