Người dân rất quan tâm tới Đại hội Đảng toàn quốc, quan tâm báo cáo chính trị, nhân sự. Người dân bàn nhiều…” – Đó là điều Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ghi nhận được từ Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Cũng từ Báo cáo tổng hợp này, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khái quát: “Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp ủy Đảng khi tổ chức đại hội cần quan tâm đến chất lượng, lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, trí tuệ, xứng đáng tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước”.

Thực tế đời sống báo chí cũng cho thấy, lượng độc giả, lượng truy cập dành cho những tin tức xung quanh công tác nhân sự luôn chiếm con số “khủng”. Chừng ấy đủ để thấy người dân quan tâm tới chuyện “chính sự” như thế nào. 

Sự quan tâm ấy cũng là điều dễ hiểu, bởi như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, công tác nhân sự có liên quan tới sự phát triển, vững mạnh của đất nước. Tất cả các cử tri, hết thảy những người dân Việt đều hiểu rất rõ rằng, đất nước, trong đó có chính họ, sẽ hội nhập, phát triển, ấm no, vững mạnh đến mức nào, chính là phụ thuộc vào chính những con người được lựa chọn giao trọng trách trong kỳ Đại hội các cấp lần này.

Người dân bàn nhiều…” - là có nguyên cớ.

Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thứ 18 ngày 25/7/2020, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, cho biết, 6 tháng qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái.

Đặc biệt, khiến dân “bàn nhiều, xôn xao, quan tâm nhiều” là việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật  nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Trong đó có cả những cán bộ từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, không ít tướng lĩnh và cả cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, người dân không khỏi ngỡ ngàng khi con số nhân sự mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phải thi hành kỷ luật đã vượt qua con số 100.

Người dân “bàn nhiều, xôn xao, quan tâm nhiều”  còn bởi con số nhân sự chịu “án” kỷ luật ấy cũng như mức độ, tính chất nghiêm trọng của vi phạm không ngừng tăng lên. Đặc biệt số nhân sự thuộc hàng cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật ngày càng nhiều; thậm chí đã có không ít cán bộ bị xử lý hình sự.  

Những dòng tít dạng “Đề nghị kỷ luật thứ trưởng A”, “Đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ”, “Cựu Thứ trưởng B nhận lỗi”… thậm chí “Truy nã Thứ trưởng…”… xuất hiện với tần số ngày càng dày đặc trên mặt báo.

Có những ngày, như ngày 10/7/2020, chỉ riêng TP.HCM đón nhận liên tiếp tin Phó Chủ tịch đương nhiệm UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và 4 cán bộ khác bị khởi tố. Có ngày như ngày 19/6/2020, cả dàn lãnh đạo xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi gồm bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã, chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã bị kỷ luật vì vi phạm Luật Đất đai; Tháng 4/2020, tại Trà Vinh, có đến hơn 100 cá nhân bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vì liên quan đến sai phạm, trong đó có lãnh đạo tỉnh…

Thực tế đáng quan ngại ấy, những con số ấy… đã khiến, không biết tự bao giờ “cán bộ bị bắt” đã trở thành “câu chuyện bên chén trà” của rất nhiều cuộc “trà dư tửu hậu”; đã khiến người dân không thể không tránh khỏi những xôn xao, bàn luận, rằng ngày càng nhiều “ông bà quan chức” suy thoái, cả về đạo đức chính trị lẫn lối sống… 

Như nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư: “Việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất cao… Chúng ta đã làm với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận… Kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là đã ngăn chặn, đẩy lùi được một bước tình trạng tham nhũng, được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ. Niềm tin của nhân dân ở Đảng cũng ngày càng được nâng cao”… 

Nhưng rõ ràng, sau những kỷ luật, sự nghiêm minh là nỗi đau. 

Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta” –  không hề né tránh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XII tháng 10/2019.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng từng nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”

Bàn về nỗi đau ấy, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cũng chia sẻ: "Việc kỷ luật cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý là điều đau xót. Đảng ta không muốn kỷ luật nhiều như vậy, nhưng thực tế buộc phải làm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thức trắng cả đêm để xử lý kỷ luật đối với đại tá Trần Dụ Châu. Xử lý kỷ luật một Đại tá quân đội thời kỳ đó đau lòng lắm nhưng buộc phải làm để cán bộ nói chung tốt đẹp hơn”.

Nỗi đau là không nhỏ, nhưng nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Điều quan trọng nhất là Đảng rút ra cho mình những bài học sâu sắc, đắt giá từ thực tế đau xót ấy, thậm chí nhìn nhận cả những khuyết điểm. “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”- Người khai sinh ra Đảng CSVN- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh. 

Những khuyết điểm ấy là gì? Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng từng thẳng thắn đặt vấn đề: Nhìn vào những con số tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật nêu trên, có thể thấy sự cố gắng rất lớn của toàn ngành, song điều quan trọng là từng bước làm rõ được tại sao số lượng tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm mà không phát hiện được. 

Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên? Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn có biểu hiện hình thức, thiếu dân chủ?”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng đây là những vấn đề cần được hết sức quan tâm trong thời gian tới. 

Cũng từ yêu cầu cấp bách ấy, tại Hội nghị Trung ương 12 tháng 5/2020,  Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất với Bộ Chính trị về 5 bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác nhân sự khóa 12.

Trong đó, nhấn mạnh tới việc muốn làm tốt công tác nhân sự, trước hết phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, nguyên tắc định hướng và tư tưởng chỉ đạo về công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương; cần tiến hành khoa học, bài bản, chặt chẽ, thận trọng; đồng thời phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác nhân sự; đề cao sự gương mẫu và trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu, bảo đảm đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng, dân tộc lên trên hết; bám sát thực tiễn để có phương pháp lựa chọn nhân sự phù hợp, hiệu quả. 

Đặc biệt, nhấn mạnh tới bài học: Với những công việc khó, phức tạp và nhạy cảm càng phải giữ nguyên tắc phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu và phải quyết định theo đa số. Càng khó càng phải phát huy dân chủ; càng phải bám sát và thực hiện nghiêm các quy định của điều lệ Đảng, quy định của pháp luật; Có thể có những nhân sự được nhiều tổ chức, cá nhân giới thiệu hoặc qua phát hiện nhân sự; qua giới thiệu đề cử thì thấy rất kinh nghiệm nhưng có thể có dư luận thì không thể bỏ qua, nhất là những dư luận có căn cứ, có dấu hiệu thì cũng cần thận trọng hơn; Hay có những nhân sự không có trong phương án mà đột nhiên xuất hiện trong phương án, lại được số đông giới thiệu cũng cần phải nghiên cứu xem xét.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”, cũng lại nhiều lần nhắc nhớ: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng, trong công cuộc đổi mới Đảng ta xác định xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt thì cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt, nguyên nhân của nguyên nhân, bố trí người đúng là sẽ khác, bố trí người sai thì bộ máy đông mà vẫn hỏng việc… chỉ sơ sảy một chút, sai một ly đi một dặm, hậu quả sẽ khôn lường.

Thực tế, Đảng ta luôn thấm nhuần điều này. Trong những năm qua, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, cụ thể hóa đường lối Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Một trong những giải pháp quan trọng Nghị quyết đề ra để chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại của công tác cán bộ là “Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát”, “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền…”.

Nhưng thực tế, việc “có lẽ chưa bao giờ chúng ta kỷ luật nhiều cán bộ như vậy”, như nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, đã cho thấy một điều không thể phủ nhận: “khâu sàng lọc cán bộ, mà sâu xa là khâu đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ lâu nay làm chưa thật tốt”. 

Cũng bởi nhìn thấu việc “chưa làm thật tốt” ấy, hai trong số những vấn đề quan trọng nhất được đặc biệt quan tâm, trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII là việc thông qua cương lĩnh bàn về chủ trương, quyết sách trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới và bầu ra những con người trực tiếp tham gia thảo luận, quyết định và cũng là người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực thi quyết sách ấy.

Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, những người đã phạm sai lầm, sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”, “Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, trong đó Đức là gốc”- nhấn mạnh ấy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thấy rõ quyết tâm lớn của Đảng trong công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII. 

Và để hiện thực quyết tâm lớn đó, để đảm bảo công tác nhân sự Đại hội được tiến hành “theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan”, Trung ương đã “tập trung công sức”, “dày công chuẩn bị” , thể hiện từ việc hàng loạt chỉ thị, chỉ đạo quyết liệt về công tác nhân sự đã ra đời ngay trước thềm Đại hội Đảng các cấp. 

Từ rất sớm, song song với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35, trong đó một trong hai phần quan trọng nhất là những hướng dẫn chỉ đạo về công tác nhân sự Đại hội, làm thế nào để lựa chọn ra được những cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm”; “Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược”; “vừa có Đức vừa có Tài”. 

Để chuẩn bị cho khâu trọng yếu này, Chỉ thị 35 đã đề ra 6 nội dung rất mới trong công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy: 1) Thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy. 2) Thực hiện bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh lãnh đạo cấp trưởng một số ngành không là người địa phương. 3) Giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên. 4) Không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy…

Điểm rất mới nữa của Chỉ thị 35 là quy định rõ quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự. So với quy trình 3 bước ở nhiệm kỳ Đại hội khóa 12, quy trình 5 bước, đã mở rộng công khai dân chủ trong quy trình nhân sự, trong đó đáng chú ý là đã tiến hành khảo sát nhân sự trước Ban chấp hành, nếu có đơn thư, khiếu nại, tố cáo về năng lực phẩm chất, bằng cấp, kê khai tài sản… tiểu ban nhân sự có trách nhiệm tổng hợp báo cáo trước khi đưa vào nhân sự Đại hội.

“Đáp ứng trúng” sự quan tâm, mong đợi bất lâu của đông đảo người dân còn là việc ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Với Quy định 205, đây lần đầu tiên Đảng ta đặt thẳng một quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền”, là văn bản bàn định trực tiếp việc thực thi kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung, đổi mới và kiến tạo bộ máy và đội ngũ cán bộ nói riêng. 
Quy định 205 nêu rất cụ thể việc “cấm xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ. Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”.

Điều đáng chú ý là Quy định 205 đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân trong công tác cán bộ, xem trách nhiệm là vấn đề then chốt nhất. “Tôi đã nhiều lần đề cập tới việc là trách nhiệm của người tiến cử cán bộ, không phải giới thiệu xong rồi, bầu trúng rồi thì đã là xong việc. Bố trí cán bộ sai vị trí cũng là một nguy cơ lớn cho Đảng, việc “mất” một số cán bộ vừa qua cho ta thấy rõ bài học này” – Nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh.

Nói vậy để thấy rõ, Quy định 205 không chỉ là “quy định của lòng dân” mà còn cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc phải kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền - một vấn đề khiến xã hội bất lâu quan tâm, lo ngại, bức xúc. Nói như nhà báo Nhị Lê, Quy định 205 thực sự “là một thông điệp chính trị, một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ”. 

Một điểm mới rất đáng quan tâm nữa trong những quyết sách về công tác cán bộ nhiệm kỳ mới là việc ngày 2/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. So với Quy định 90 trước đây, nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí được đặt cao hơn, rõ hơn. Trong 5 tiêu chuẩn chung của các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý, thì Quy định 214 làm rõ hơn tiêu chuẩn “uy tín cao trong nhân dân”.

Chỉ thị 35, Quy định 205, Quy định 214 và nhiều kết luận, chỉ thị khác cũng như hàng loạt chỉ đạo rất cụ thể về công tác nhân sự trong bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa qua chính là căn cứ tốt, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng “biết việc phải làm”. 

 “Tất nhiên đòi hỏi tuyệt đối là rất khó, vẫn có những trường hợp bị méo mó, nhưng đó là thực tế cuộc sống. Nếu ngay từ Đại hội Đảng bộ các cấp đã làm tốt công tác nhân sự, sẽ tạo thuận lợi nhiều cho Đại hội XIII của Đảng”- PSG.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhận định.

Tổ quốc nơi đầu sóng”- cụm từ ấy “áp quá trúng” với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam- dải đất hình chữ S suốt chiều dài lịch sử luôn phải đối đầu, gánh chịu bao sóng gió thiên nhiên, bao cuộc xâm lăng nhưng rồi vẫn vững vàng tiến bước.

“Bí quyết” của những cú “vượt sóng” thần kì ấy là nỗ lực, là sự đoàn kết và trong đó có cả niềm tin bất diệt vào tương lai rạng rõ của đất nước, vào sự lãnh đạo của Đảng. “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin”, “Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin”- trong suốt 90 năm qua, những câu ca ấy đã vang lên trong tâm khảm biết bao người.

Và giờ đây, khi “Tổ quốc một lần nữa lại đứng nơi đầu sóng” bởi cuộc chiến đấu với đại dịch khủng khiếp nhất với nhân loại thời hiện đại, bởi bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bởi biển Đông vẫn ngày ngày dậy sóng, bởi mục tiêu phát triển kinh tế còn gặp quá nhiều thách thức, bất chấp thiếu sót, những tồn tại, thậm chí cả những sai lầm đau xót trong công tác nhân sự… thì thật đáng mừng, những người dân Việt vẫn đặt trọn niềm tin, sự kì vọng vào Đảng. 

Và Đại hội Đảng các cấp lần này, tiến tới là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra của Đảng, là nơi để triệu triệu người dân Việt gửi trọn những tin tưởng, kì vọng ấy. Họ tin Đảng đã thực sự rút ra được những bài học sâu sắc nhất từ nhiều khía cạnh, trong đó, đau đáu nhất vẫn là vấn đề nhân sự.

Họ tin, Đảng đã thấm thía được rằng chọn sai cán bộ, chọn nhầm cán bộ kiểu “thấy đỏ tưởng chín”, sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, giám sát, rèn luyện rồi “để mất” cán bộ, cái không bình thường trong cái sự “bổ nhiệm đúng quy trình”… sẽ là mối nguy hại khôn lường tới sự tồn vong của Đảng…

Cũng bởi lòng tin ấy, tại Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở ở phạm vi cả nước thời gian qua, có thể thấy rõ Đảng đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc về công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới, cho giai đoạn phát triển mới. Công tác nhân sự của các đại hội được chuẩn bị kỹ, cẩn thận, chắc chắn trên cơ sở tiêu chuẩn, quy hoạch và phẩm chất, năng lực, uy tín của nhân sự lựa chọn. Rất nhiều đại hội cấp cơ sở và cả cấp trên cơ sở đã thực hiện đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy với tỷ lệ số phiếu trúng cử rất cao, nhiều nơi đạt 100%. Một số cấp ủy Đảng trực thuộc Trung ương đã đề ra mục tiêu thực hiện 100% đại hội bầu bí thư cấp ủy tại đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Trình độ học vấn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chất lượng nói chung của cấp ủy được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước… 

Lòng tin của dân là quốc bảo!- nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh điều đó. Kỳ Đại hội lần này, việc lựa chọn cho được những cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng, có đủ Tài, đủ Đức, đủ bản lĩnh chính trị để gánh vác trọng trách- chính là góp phần củng cố vững chắc hơn nữa lòng tin ấy.

Và khi lòng tin đã vững chắc thì như khẳng định của TS Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: “Dân tộc Việt Nam ta, dưới ngọn cờ của Đảng, trường tồn mạnh mẽ và hùng cường, cùng nhân loại”.