Quyết liệt chống dịch nhưng đừng quên sinh kế của dân nghèo!

Thứ ba, 23/02/2021 12:26 PM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, đã có hàng trăm tấn rau, quả ở Hải Dương được đưa lên, tiêu thụ hết ngay ở Hà Nội. Đó là những thông tin làm ấm lòng giữa "bão dịch". Nhưng có câu hỏi được đặt ra: Cách nào chống dịch có hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân?

Người dân Hà Nội mua nông sản ủng hộ nông dân các vùng chuyên canh rau, màu ở Hải Dương. Ảnh: Quang Hùng.

Người dân Hà Nội mua nông sản ủng hộ nông dân các vùng chuyên canh rau, màu ở Hải Dương. Ảnh: Quang Hùng.

1. Hình ảnh những cánh đồng trồng rau màu ở Hải Dương với rất nhiều luống xu hào, bắp cải... héo rũ do đến kỳ thu hoạch nhưng người dân không thể bán được đã khơi dậy lòng trắc ẩn của nhiều người. Nhiều người đổ lỗi cho các cơ quan quản lý nhà nước đã không lường trước được hệ quả của việc khoanh vùng, hạn chế giao thương đi lại để chống dịch một cách quá ngặt nghèo, để có những giải pháp chủ động, giúp khai thông hàng hóa, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.

Thực ra, trên thực tế, cũng không hẳn các cơ quan chức năng nhà nước đã hoàn toàn bỏ rơi người nông dân. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Hải Dương, ngày 4/2/2021, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi các Sở Công Thương các tỉnh liên quan đề nghị phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan liên quan để tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; Xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16/2, đại diện các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), chuỗi siêu thị MM Mega Market …. đã họp bàn với Bộ Công Thương để thu mua nông sản của tỉnh Hải Dương.

Sau đó, Central Group đã thu mua khoảng 100 tấn rau, củ, quả/tuần tại Hải Dương, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market (Việt Nam) đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ ngày từ Hải Dương và sẽ tiếp tục tăng mua để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

2. Mặc dù các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã có những động tác cũng có thể nói là kịp thời như vậy nhưng vì sao tình trạng ách tắc trong tiêu thụ nông sản của nông dân Hải Dương vẫn xảy ra?

Trước hết, có thể thấy lượng mua các sản phẩm nông nghiệp ở Hải Dương của các doanh nghiệp thương mại, các siêu thị lớn như trên cũng chưa giải quyết được bao nhiêu. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 15/2/2021, tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được, cụ thể: còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Việc chỉ có vài trăm tấn được tiêu thụ/tuần của các đầu mối phân phối như các siêu thị, trung tâm thương mại là không thể đủ giải quyết đầu ra cho trên 90 ngàn tấn nông sản còn tồn đọng.

Thứ hai, ngay chính các cơ quan nhà nước, như Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận trong một văn bản phát đi ngày 22/2 rằng đã có một số vướng mắc trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và các tỉnh giáp ranh.

Trên thực tế, trong việc tiêu thụ nông sản ở một số địa phương như tỉnh Hải Dương, không chỉ có các siêu thị, trung tâm thương mại mà vai trò của đội ngũ thương lái là rất lớn. Nhưng theo thông tin từ chính Bộ Công Thương, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản đã bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng v.v..., gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Một số địa phương, doanh nghiệp cũng phản ánh, có những yêu cầu về hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu được.

Những bất cập trong tổ chức, giao thương hàng hóa vừa qua tại các vùng có dịch không chỉ dẫn đến hậu quả làm hàng hóa nông sản ách tắc, đời sống nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tứ giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.

3. Có thể nói, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 luôn luôn là yêu cầu quan trọng nhất trong thời kỳ dịch bệnh đang diễn ra khá nghiêm trọng ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là Hải Dương. Tất nhiên, trong hoạt động phòng, chống dịch, chắc chắn vẫn có những giải pháp làm ảnh hưởng, hạn chế các hoạt động giao thông, vận chuyển hàng hóa và từ đó cũng gây trở ngại, ách tắc cho các hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó cũng có thể thấy, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn có thể kéo dài nhưng cuộc sống, sinh kế của người dân, hoạt động của doanh nghiệp cũng không thể nào đình trệ mãi, nó vẫn phải tiếp diễn. Bởi nếu người dân không thể sản xuất, không thể trồng trọt, không thể bán được rau, hoa quả... cuộc sống quá khó khăn thì những nỗ lực chống Covid-19 cũng sẽ rất khó có kết quả cao.

Qua thực tế lượng hàng hóa nông sản còn tồn đọng quá lớn ở Hải Dương và một số tỉnh, thành phố khác, thiết nghĩ, mặc dù vẫn đặt yêu cầu chống dịch nên hàng đầu nhưng ở mức độ nào đó, có những bất cập vẫn cần phải được giải quyết. Ví dụ như là cần có một hướng dẫn thống nhất về lưu thông hàng hóa, nông sản giữa địa phương có dịch với địa phương khác như thế nào, tránh tình trạng mỗi địa phương lại có một kiểu điều hành khác nhau như mấy tuần qua.

Các cơ quan y tế cũng phải tổ chức thế nào để hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khác cũng cần có sự thống nhất và nhanh chóng hơn trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Các địa phương dù ưu tiên chống dịch nhưng thiết nghĩ cũng nên có các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra như vừa qua.

Mạnh Quân

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn