Nghề báo

Quyết liệt xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gỡ bỏ hàng ngàn nội dung xấu độc trên mạng xã hội

H.Anh 18/07/2025 16:20

(CLO) Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), nhằm kiên quyết đẩy lùi vấn nạn nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật và sự lan tràn của hàng ngàn thông tin xấu độc trên không gian mạng, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, đưa ra nhiều "án phạt" nghiêm khắc và gỡ bỏ hơn 5.000 nội dung vi phạm.

Tăng cường xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Trước thực trạng người nổi tiếng quảng cáo tràn lan các sản phẩm không đúng sự thật, gây sụt giảm niềm tin người tiêu dùng, Bộ VHTT&DL cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế để xử lý các trường hợp vi phạm.

sua-gia-50962948626493853534778.webp
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế để xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo tràn lan các sản phẩm không đúng sự thật.

Cụ thể, ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) đã bị xử phạt về hoạt động quảng cáo cho sản phẩm kẹo rau củ Kera và yến sào LoiNest không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng đã công bố.

Bộ VHTT&DL cũng đã tiến hành nhắc nhở ông Mai Huyền Linh (MC Quyền Linh) về việc thực hiện quảng cáo thực phẩm không phù hợp với tài liệu quy định và gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.

Tương tự, ông Đào Trọng Hùng (diễn viên Doãn Quốc Đam) cũng bị nhắc nhở về quảng cáo cho sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi - một sản phẩm bị cấm quảng cáo. Hai trường hợp này không bị xử phạt hành chính do đã quá thời hiệu theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ VHTT&DL cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan chặn, gỡ 2 website và 4 đường link trên Facebook có hành vi quảng cáo nội dung vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Quyết liệt "dọn dẹp" không gian mạng

Báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng cho thấy những nỗ lực đáng kể trong việc chặn, gỡ thông tin xấu độc và nội dung vi phạm trên mạng xã hội trong nửa đầu năm 2025.

Cụ thể, trên nền tảng Facebook, đã có 3.099 bài viết bị chặn, gỡ bỏ. Với YouTube, 913 video và 7 kênh (đăng tải khoảng 12.000 video) vi phạm đã bị xử lý. Đặc biệt, trên nền tảng TikTok, Bộ đã chặn, gỡ 1.284 nội dung vi phạm, bao gồm 5.600 video, 9 bản ghi âm và 724 tài khoản (liên quan đến hơn 35.500 video).

Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, Bộ VHTT&DL cũng đã chặn 148/219 game không phép trên các kho ứng dụng của Apple và Google. Công tác giám sát hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như Netflix, Amazon TV, Apple, WeTV, iQIYI, MangoTV cũng được duy trì thường xuyên, đảm bảo các doanh nghiệp này tuân thủ cam kết không cung cấp dịch vụ tại Việt Nam khi chưa được cấp phép.

Những kết quả này cho thấy sự quyết tâm của Bộ VHTT&DL trong việc chấn chỉnh không gian mạng, bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn cho cộng đồng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quyết liệt xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gỡ bỏ hàng ngàn nội dung xấu độc trên mạng xã hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO