Quyết tâm chống tham nhũng tại những nơi vốn được coi là “nhạy cảm” nhất
(NB&CL) Công tác chống tham nhũng tại những nơi vốn được coi là “nhạy cảm” nhất cần phải được quan tâm, chú trọng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua rất quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, bài bản, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, đem lại niềm tin của người dân đối với chính quyền. Đặc biệt, công tác chống tham nhũng tại những nơi vốn được coi là “nhạy cảm” nhất cần phải được quan tâm, chú trọng.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả ban đầu ấn tượng. Trong đó, có phần đóng góp công sức không nhỏ của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra… Các cơ quan này đã có nhiều cố gắng, nỗ lực làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại chính những cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Một số cán bộ cơ quan tố tụng, thanh tra… bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý do có những sai phạm, hành vi tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.

Mặc dù vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan này không nhiều như lĩnh vực khác nhưng tính chất, mức độ và hậu quả thì rất nghiêm trọng. Bởi lẽ, chủ thể của hành vi này là những người được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, lẽ phải nhưng do vi phạm pháp luật nên đã dẫn đến bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.
Vậy, làm thế nào để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính những cơ quan vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất? Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
+ Thưa Đại biểu Quốc hội, trên “mặt trận” đấu tranh với tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra đóng vai trò như người lính xung kích ở tuyến đầu, đấu tranh trực diện, trực tiếp trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cán bộ của cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng lại “vướng” vào tham nhũng. Theo quan điểm của ông, muốn làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan này thì cần lưu ý vấn đề trọng tâm gì?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay “không có vùng cấm”. Chúng ta đã xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều vụ án gây thất thoát lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Một số cán bộ trong cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng khi bị phát hiện sai phạm cũng bị xử lý nghiêm minh, sai đến đâu xử lý đến đó. Tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, bài bản, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, đem lại niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Đặc biệt, tôi cho rằng, chống tham nhũng trong những nơi vốn được coi là “nhạy cảm” nhất thì cần phải được quan tâm, chú trọng, ví dụ như tòa án, viện kiểm sát, công an, thanh tra, kiểm toán hoặc như cơ quan Đảng… Tôi lấy ví dụ như tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan Đảng thể hiện ở chỗ “xí xóa” những vi phạm của đảng viên; bao che cho đảng viên có vi phạm về hành vi tham nhũng, không xử lý nghiêm về mặt Đảng. Các cá nhân tham nhũng hoặc người khác có liên quan có thể dùng những lợi ích vật chất và tinh thần để can thiệp làm giảm tính khách quan trong việc giải quyết.
Hoặc ví dụ khác như trong quá trình giám sát, thanh tra, kiểm toán… khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người có thẩm quyền trong cơ quan giám sát, kiểm toán, thanh tra vì mục đích vụ lợi đã bao che cho hành vi tham nhũng, không thể hiện những sai phạm trong kết luận thanh tra hoặc báo cáo kết quả kiểm toán; hoặc không nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc tham nhũng theo quy định của pháp luật…
Đây là công việc rất gian nan, vất vả, đòi hỏi cần phải có sự kiên trì rất cao. Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả tốt trong các lĩnh vực vốn được coi là “nhạy cảm” này thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, có việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện để người dân và xã hội giám sát hoạt động của cơ quan tố tụng, thanh tra, kiểm toán...

+ Đại biểu Quốc hội nghĩ như thế nào về điều kiện, tiêu chí của cán bộ làm việc trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng?
- Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, kiểm toán… phải vượt qua rất nhiều cám dỗ và áp lực. Cho nên, đối với cán bộ của những cơ quan này, phải chọn người có năng lực, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, quyết liệt, trung thành, chí công, vô tư, thẳng thắn, công tâm. Chứ nếu như cán bộ ở những cơ quan này lại đi bao che, tiếp tay cho những sai phạm khác thì còn gọi gì là quyết liệt chống tham nhũng!
Người đứng đầu các cơ quan này cũng phải rất gương mẫu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.
+ Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng; giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi hoàn toàn đồng ý, đây là quan điểm xác đáng. Cần phải có sự giám sát chéo lẫn nhau. Ví dụ như thanh tra phải kiểm soát, giám sát kiểm toán để xem cơ quan kiểm toán khi tiến hành kiểm toán các đơn vị, doanh nghiệp có thực sự khách quan hay không. Ngược lại, cơ quan kiểm toán cũng phải giám sát cơ quan thanh tra, xem thanh tra vào những nơi đó có thực sự đúng quy định, chất lượng hay không, hay là cơ quan thanh tra lại bao che “lờ” đi sai phạm của đơn vị, cá nhân được thanh tra? Hay là viện kiểm sát phải giám sát chặt chẽ cơ quan điều tra, xem trong quá trình xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra có quyết liệt vào cuộc, xử lý khách quan, trung thực theo đúng trình tự tố tụng hay không. Hoặc cơ quan tổ chức cũng cần giám sát ủy ban kiểm tra của Đảng để xem việc xét và thi hành kỷ luật cán bộ có đúng quy định, thật sự khách quan, công tâm hay không. Ngược lại, cơ quan ủy ban kiểm tra cũng phải giám sát cơ quan tổ chức trong việc tham mưu, đề xuất cấp ủy, tham mưu cho thường vụ bố trí, quy hoạch cán bộ quản lý có đúng thực chất hay không; hay là có sự nể nang, thiên vị, đề bạt cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, không đúng chuyên môn nghiệp vụ, không đáp ứng năng lực công việc…
Cho nên tôi cho rằng, vấn đề giám sát chéo giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan nội chính, cơ quan Đảng… là rất cần thiết. Đồng thời, tôi tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới, công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn nữa!
+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội về những trao đổi trên!
Thiên An (Thực hiện)