Trao quyền tự chủ cho các trường Đại học được kỳ vọng mang đến sự đổi mới tích cực. Ảnh: TL
Theo đó, Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Đây là lần đầu tiên tiến hành sửa đổi Luật này, kể từ khi Luật Giáo dục Đại học ban hành lần đầu tiên vào năm 2012.
Dự thảo này được đánh giá là thống nhất với các thông lệ quốc tế và đặt nền móng quan trọng để thực hiện đường hướng chiến lược trong Chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học Việt Nam mà Chính phủ đã đề ra.
Hầu hết những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đều hướng tới mục tiêu đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường Đại học, trên tất cả các mặt: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản.
Theo ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, “Tự chủ là vấn đề rất lớn, có tự chủ mới đảm bảo sự năng động, sáng tạo nhưng lưu ý 4 điểm: thứ nhất tự chủ đi với tự chịu trách nhiệm; thứ hai, tự chủ có điều kiện theo quy định của pháp luật; thứ ba là yêu cầu công khai và minh bạch đã được nêu rõ trong luật lần này; thứ tư là kiểm tra, kiểm soát, không chỉ nhà nước kiểm tra mà xã hội có thể kiểm tra được".
Do vậy, để nâng cao hiệu quả tự chủ, cơ sở GDĐH phải công khai, minh bạch về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế trong các hoạt động; có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình về việc thực hiện các chuẩn chất lượng, thực hiện cam kết với người học và các bên liên quan.
Trong cuộc tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản đã tạo cơ chế thông thoáng các trường trong lộ trình tự chủ. Đặc biệt, đưa ra cơ chế để Hội đồng trường có thực quyền và có cơ chế kiểm soát độc lập.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, vẫn còn 1 số nút thắt liên quan đến tự chủ đại học chưa được tháo gỡ hoàn toàn trong Dự thảo này. Trong đó, các vấn đề về thành phần hội đồng trường đảm bảo phù hợp với thực tế; các tiêu chí lựa chọn Hiệu trưởng; quy định số giờ giảng phù hợp với đặc thù của từng trường; trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc công khai, minh bạch quá trình, kết quả đào tạo cho cán bộ, giảng viên, người lao động theo định kỳ hàng năm; quy định rõ yêu cầu về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ giảng viên; vai trò của đại học vùng…cần được tháo gỡ và hoàn thiện.
H.Lâm