Ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6
(CLO) Ngày 21/3/2025, tại Hải Phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Công bố Quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 là tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thái Bình theo Quyết định số 306/QĐ-Ngân hàng Nhà nước ngày 24/02/2025 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc.

Ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 hợp nhất từ 5 chi nhánh. Ảnh: NHNN.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng và 04 điểm vệ tinh hoạt động tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quyết định điều động và bổ nhiệm nhân sự Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hải Phòng giữ chức vụ quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6.
Các Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 bao gồm: ông Nguyễn Đức Hiển, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ông Nguyễn Đức Thiệp, ông Nguyễn Minh Chiến và ông Mai Việt Trung.
Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 06 gồm: Ban lãnh đạo chi nhánh và 07 phòng chức năng nghiệp vụ.
Tổng số cán bộ công chức đến thời điểm 01/3/2025 là 236 người, trong đó 130 người làm việc tại Trụ sở Khu vực và 106 cán bộ làm việc tại các địa điểm vệ tinh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tín dụng của các tỉnh trong khu vực 6 năm 2024 cao hơn mức chung của cả nước (một số tỉnh có mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất toàn quốc như Hải Phòng 24,67%, Hưng Yên 18,24%).
Đầu năm 2025, tín dụng tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024, cụ thể tín dụng đến cuối tháng 2 ước tăng 1,02%, (cao hơn tín dụng chung toàn quốc). Huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ đồng đảm bảo cung ứng đủ tín dụng cho khu vực, bên cạnh đó thanh khoản hệ thống đảm bảo, lãi suất có xu hướng giảm.
Đến nay, các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 6 đã được triển khai thông suốt, việc kết nối giữa trụ sở chính của chi nhánh tại thành phố Hải Phòng với các “vệ tinh” tại 4 tỉnh còn lại đều diễn ra thuận lợi, liên tục không bị gián đoạn...
Phó Thống đốc đề nghị Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo nhiệm vụ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao. Trong đó tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn như cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 03 tháng, Ban Lãnh đạo, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo đúng tiến độ và lộ trình đề ra.
Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc tổ chức lại 63 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 Ngân hàng Nhà nước Khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có 15 Ngân hàng Nhà nước khu vực là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các công việc có liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.