Rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia
(CLO) Ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 đối với chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết số 43 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.

Toàn cảnh cuộc làm việc.
Kết quả cụ thể, về chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Số thuế được giảm khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống COVID-19 khoảng 291,4 tỷ đồng.
Về chính sách an sinh, xã hội, lao động, việc làm, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Đến hết năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt 38.400 tỷ đồng, cho hơn 615,6 nghìn lượt khách hàng, đạt 100% kế hoạch.
Về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Đã giải ngân khoảng 3.679 tỷ đồng hỗ trợ cho 128,7 nghìn lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động, đạt 55,7% kế hoạch...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát đã nêu.
Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, điều tiết thanh khoản phù hợp. Qua đó, bảo đảm thanh khoản hệ thống, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu đã rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu; góp phần sớm phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, các dự án đường bộ cao tốc trục ngang khác trong Chương trình.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp đầy đủ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi để xử lý theo thẩm quyền hoặc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định nếu có nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hoàn thiện các báo cáo; tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, gửi thông tin báo cáo bổ sung cho Đoàn, phối hợp với Tổ giúp việc hoàn thiện những nội dung theo yêu cầu.
Chính phủ rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, nhận định, đánh giá, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo; hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai trong thời gian tới, gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 2025, cũng như các năm tiếp theo.
Trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Đoàn Giám sát sẽ xây dựng Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.