Rằm Tháng giêng - Tết Nguyên Tiêu có từ bao giờ?

Thứ bảy, 08/02/2020 09:43 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tết Nguyên Tiêu được xem là ngày lễ quan trọng sau dịp Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Tiêu (ngày Rằm tháng Giêng) bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng qua thời gian lại trở thành văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam với rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Nguồn gốc xa xưa của Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng

Có nhiều câu chuyện truyền miệng kể về sự tích Tết Nguyên Tiêu. Trong đó, chuyện kể về một con thiên nga trên thiên đình là giai thoại khá phổ biến và được nhiều người truyền tai.

Theo đó, Ngọc Hoàng rất yêu thích một con thiên nga trên thiên cung. Một ngày nọ, con thiên nga bay xuống hạ giới rồi bị thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng hay tin, nổi giận sai quân xuống trần thiêu trụi mọi thứ vào ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Rất may, một vị quan trong triều không đồng tình với quyết định này nên đã xuống hạ giới bày cách cho người trần thoát khỏi đại họa. Theo lời dặn của ông, đúng ngày Rằm tháng Giêng, mọi nhà đều treo lồng đèn màu đỏ để Ngọc Hoàng nghĩ lệnh phóng hỏa đã được thi hành.

Nhân gian thoát nạn và cứ đến ngày này hằng năm lại treo đèn lồng như một cách tưởng nhớ, trả ơn vị quan tốt bụng trên thiên đình.

Không gian trang nghiêm nơi cửa Phật. Ảnh: Cần Thơ tourist

Không gian trang nghiêm nơi cửa Phật. Ảnh: Cần Thơ tourist

Câu chuyện khác lại kể rằng, vào thời Tây Hán, các cung nữ vào dịp Tết rất nhớ nhà, nhưng không được về thăm do cung vua canh phòng cẩn mật. Một cung nữ tên Nguyên Tiêu vì quá cô đơn, buồn tủi mà đã nhảy xuống giếng tự kết liễu cuộc đời.

Lúc đó, Đông Phương Sóc - vị quan dưới thời Hán Vũ Đế đã kịp thời cứu sống cung nữ này. Muốn giúp cung nữ được gặp cha mẹ, ông đã bày một bàn bói quẻ trên phố và tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi chữ “16 tháng Giêng bị lửa thiêu”.

Ông dặn dò thêm mọi người rằng: Tối ngày 13 tháng Giêng Ngọc Hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ hạ phàm để hỏa thiêu toàn dãy phố. Nên người nào muốn tránh kiếp nạn này thì hãy tâu lên nhà vua. Được tin từ người dân, Hán Vũ Đế vội triệu quan Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.

Đông Phương Sóc giả vờ suy nghĩ rồi nói rằng thần lửa thích ăn bánh trôi, trong cung có cung nữ tên Nguyên Tiêu vừa khéo tay vừa giỏi bếp núc, nhà vua có thể giao cho cô làm bánh tế thần linh để xoa dịu lòng thần.

Đồng thời, ông hiến kế cho nhà vua nên ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày rằm mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng lầm tưởng trần gian đang bị lửa thiêu.

Mưu kế thuận buồm xuôi gió, nhà vua thưởng cho cung nữ Nguyên Tiêu về thăm nhà. Kể từ đó, ngày 15 tháng Giêng trở thành ngày Tết Nguyên Tiêu (theo tên gọi của cung nữ), bánh trôi cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày này.

Theo một câu chuyện khác, vua Hán Văn lên ngôi đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến đêm ngày rằm này lại ra ngoài chung vui với người dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa đọc là Tiêu, lại là đêm rằm đầu tiên của năm nên Hán Văn gọi là ngày Tết Nguyên Tiêu.

Ngoài ra, còn có tích kể Tết Nguyên Tiêu được gọi là Tết Trạng Nguyên vì vào ngày rằm đầu tiên của năm, vua mời các trạng nguyên đến dự yến tiệc, cùng xem hoa thưởng nguyệt tại vườn thượng uyển...

Ý nghĩa đẹp, sâu sắc của Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam

Tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) cho đến nửa đêm ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Dù có nhiều sự tích khác nhau về nguồn gốc, song ở Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, Tết Nguyên Tiêu đều mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình.

Tết Nguyên Tiêu trở thành một nét văn hóa sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa tuyệt vời trong khung cảnh thơ mộng hữu tình: Trong ngày này, ngoài việc ngắm trăng, đọc thơ, ăn bánh trôi thì còn có rất nhiều những hoạt động lý thú khác như: vui chơi, giải trí, múa lân....

Mâm cơm cúng Gia Tiên trong Văn hóa người Việt. Ảnh: Cần Thơ Tourist

Mâm cơm cúng Gia Tiên trong Văn hóa người Việt. Ảnh: Cần Thơ Tourist

Nói về tục lệ cúng rằm tháng giêng, chị Nguyễn Thị Chính ở Bắc Giang cho biết: “Vào ngày Rằm tháng Giêng này, cả gia đình tôi luôn quây quần bên nhau để chuẩn bị bữa cơm cúng Gia tiên, dù các cháu có đi làm, đi học xa thì ngày này, các cháu vẫn cố gắng sắp xếp công việc để về. Tôi nghĩ không chỉ Tết Nguyên Đán, mà cả ngày Rằm tháng Giêng đầu tiên của năm này cũng được gọi là Tết đoàn viên”.

Ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu còn được coi là "Tết muộn" vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên Đán, là cơ hội để đoàn viên với gia đình nào không may có người thân bị ốm, đi vắng vào đúng dịp Tết Nguyên Đán.

Vào Rằm tháng Giêng, nhìn chung người dân khắp nơi thường thả hoa đăng hay lên chùa khấn Phật. 

Ở Việt Nam, hàng nghìn phật tử viết điều ước lên những cánh hoa đăng lung linh rồi thả xuống sông để cầu nguyện cho một năm mới bình an.

Tết nguyên Tiêu là ngày rằm đầu tiên trong năm mới, đây là thời điểm thích hợp để mỗi gia đình chúng ta có thể cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc. Đó cũng là ý nghĩa của câu Thành ngữ "Lễ phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng".

T. Tiên (T/h)

Tin khác

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

(CLO) Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đời sống văn hóa
Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

(CLO) Ngoài yếu tố giải trí, bộ truyện "Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh" có thể xem là sổ tay hướng dẫn cho các bé gái và thiếu nữ cách ứng xử văn minh và cởi mở trước các vấn đề trong cuộc sống.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề 'Thế giới tôi đọc'

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề "Thế giới tôi đọc"

(CLO) Ngày 20/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc" do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Đời sống văn hóa
57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

(CLO) Ngày 20/4, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận cây di sản Việt Nam đối với quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở tiểu khu bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu).

Đời sống văn hóa