Phóng viên và những rào cản trong kỷ nguyên 4.0
Với 17 bài viết và bài trả lời phỏng vấn, nhà báo Vũ Văn Tiến sẽ giúp người đọc hình dung ra bức tranh tương đối hoàn chỉnh về nghề báo và người làm báo trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Ở đó, nghề báo và người làm báo đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển so với giai đoạn trước, nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.
Thời đại công nghệ 4.0 cũng trực tiếp làm cho việc ẩn danh các nhà báo ngày càng trở nên khó khăn. Giờ đây với việc lưu trữ tài liệu bằng máy tính, chỉ cần 1 thuật toán là số liệu có thể thay đổi hoàn toàn, cho nên việc điều tra, thu thập thông tin của phóng viên bây giờ không như ngày xưa nữa. Ngày xưa, trong ký ức của nhà báo Vũ Văn Tiến, một phiếu thu, phiếu chi đều được ghi chép cẩn thận, ghi sổ sách đàng hoàng, khi cần lật lại thì người ta khó có thể thay đổi được. Nhưng hiện nay, từ việc kê khai thuế, nộp thuế đều bằng điện tử, tất cả các thứ bằng điện tử, thì cũng chỉ cần 1 cú click chuột là mọi thứ có thể thay đổi. Không chỉ có thế, “nhờ tiện ích mạng, một bài viết lan tỏa đến tay bạn đọc rất nhanh, thì chính các đối tượng bị phản ánh, bị phanh phui trong bài viết cũng phản ứng nhanh để ngăn chặn sự phát tán, tầm ảnh hưởng và sự ra đời các kỳ tiếp theo của bài viết, rút ngắn tuổi thọ của bài viết bằng cách can thiệp để gỡ bài, sửa bài”. Nhà báo Vũ Văn Tiến chia sẻ.
Cuốn sách “Rào cản với phóng viên điều tra” vừa ra mắt bạn đọc
Đặc biệt, với phóng viên điều tra - những người hoạt động trong lĩnh vực được đánh giá là khó khăn nhất của báo chí, thì đây còn là một nghề nguy hiểm, nhiều cám dỗ, và đôi khi là đe dọa đến cả mạng sống của họ. Rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu đã đổ để họ có thể đứng vững trước những sóng gió của thời cuộc và đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của báo chí. Ở đó, theo nhà báo Vũ Văn Tiến, mỗi phóng viên điều tra cần phải có năng lực chuyên môn sâu rộng, kĩ năng làm báo thuần thục, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng; đồng thời cần được sự động viên khích lệ, chỉ đạo kịp thời của toà soạn, cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lí nhà nước về báo chí để họ có thể an tâm, vững vàng cống hiến với nghề.
Làm thế nào để vượt qua rào cản?
Cuốn sách Rào cản với phóng viên điều tra, không chỉ đề cập đến những rào cản đối với phóng viên, mà tác giả còn đề cập nhiều vấn đề trong công tác quản lý báo chí, và ứng xử của công chúng đối với báo chí. Cuốn sách lí giải việc vì sao có những tập đoàn, những tổng công ty trong nhiều năm, tuy để xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận nhưng không hề có thông tin đề cập trên báo chí. Như chia sẻ của tác giả, đó cũng là điều trăn trở của nhiều người cầm bút hiện nay. Có nhiều nhà báo có tâm huyết, mong muốn phản ánh những bức xúc của xã hội, đòi quyền lợi chính đáng cho những người dân “thấp cổ bé họng”, chịu oan sai, nhưng rồi nhiều người cầm bút đành ngậm ngùi nhìn những số phận, hoàn cảnh đó chịu thiệt thòi, không ai dang tay cứu giúp.
Với một phóng viên điều tra, khi đặt bút viết về những hiện tượng như trên, họ phải đối diện với 2 nỗi trăn trở: nỗi trăn trở thứ nhất vì nhìn thấy người dân chịu thiệt thòi nhưng không thể giúp họ, khi tác phẩm không được duyệt đăng vì một lí do “quan hệ” nào đó. Nỗi trăn trở thứ hai, nếu bài đăng lên, ảnh hưởng đến đơn vị nào đó đang tài trợ cho chính tờ báo của mình, vô hình chung sẽ gây ảnh hưởng đến cả tòa soạn lẫn phóng viên. Vấn đề này cần giải quyết như thế nào, còn đang là một mâu thuẫn lớn hiện nay, và gây khó khăn cho người cầm bút.
Nhà báo Vũ Văn Tiến sinh năm 1982 tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Anh hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí mặt trận và đã có nhiều năm gắn bó với nghề báo nói chung và lĩnh vực điều tra nói riêng. Tiếp sau sự ra đời của 4 cuốn sách, đã được tái bản nhiều lần là: Phía sau cổng làng, Viết báo thời sinh viên, Bước vào nghề báo, Điều tra và dấn thân trong nghề báo, mới đây, nhà báo Vũ Văn Tiến tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách tựa đề Rào cản với phóng viên điều tra, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của tác giả và những bài tác giả trả lời phỏng vấn, đã được đăng tải trên một số tờ báo, tạp chí. Nội dung cuốn sách tiếp tục khai thác về mảng báo chí điều tra, chia sẻ những “góc khuất” của nghề báo cũng như những rào cản đối với phóng viên điều tra trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. |
Trong cuốn sách, nhà báo Vũ Văn Tiến cũng đề cập hiện tượng nổi cộm những năm gần đây trong nghề báo, đó là tình trạng những bài báo “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Trong một thời gian dài, hiện tượng trên gây ra nhiều bức xúc, trở thành vấn nạn và làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Gần đây, khi ngành chức năng thực hiện theo dõi việc gỡ bài trên báo điện tử, tình trạng này đã có chiều hướng giảm. Nhiều nhà báo hân hoan vì có điều kiện phản ánh tiêu cực, phản ánh những bức xúc của nhân dân mà không bị “thủ tiêu” bài. Đây là động lực đem lại niềm tin cho những người cầm bút, cho công chúng, đặc biệt là những người được báo chí bảo vệ tin, và tác phẩm có thêm đất sống.
Một vấn đề lớn khác được nhà báo Vũ Văn Tiến đề cập trong sách, mang tầm vĩ mô hơn, đó là vấn đề sai phạm của các công ty, tập đoàn lớn, dù họ có dùng ngân sách truyền thông bao nhiêu nhưng nếu họ làm sai thì báo chí vẫn phải thông tin một cách khách quan, trung thực. Chẳng hạn, có những vụ cháy nổ liên quan đến doanh nghiệp, trước kia báo chí không đưa tin, thì nay đã đưa tin nhiều hơn và không bị gỡ bài.
Giải quyết thấu đáo những vấn đề này, theo nhà báo Vũ Văn Tiến, cũng chính là báo chí đã giải được bài toán làm sao khơi gợi được lòng yêu nghề của các phóng viên khi viết các bài điều tra chống tiêu cực. Các cơ quan quản lý báo chí, các toàn soạn và cơ quan chủ quản làm sao để phóng viên khi nghĩ đến thấy rằng đó là những chỗ dựa vững chắc để họ làm nghề, yên tâm, can đảm dấn thân. Hơn nữa, với tòa soạn, sẽ giúp tạo ra nguồn tài chính cũng đảm bảo, đủ khả năng tồn tại và phát triển.
Cuốn sách truyền cảm hứng
Với cuốn sách Rào cản với phóng viên điều tra, dễ dàng nhận thấy có một sự tăng lên về chất trong các trang viết của nhà báo Vũ Văn Tiến so với 4 ấn phẩm trước đó. Chẳng hạn, với những cuốn sách đầu tiên, tác giả chỉ đơn thuần là đăng lại tác phẩm đã xuất bản trên báo, ở một bước cao hơn thì đề cập đến nghiệp vụ và nhiệt huyết của người cầm bút. Còn ở cuốn sách này, tác giả còn phản ánh những khó khăn mà nhiều nhà báo điều tra đang dấn thân gặp phải, và làm thế nào để vượt qua rào cản, giữ vững tâm thế của người cầm bút, mang đến cho công chúng những tác phẩm giá trị. Cùng với đó là những chia sẻ sâu sắc mang tính kinh nghiệm, bước đầu tiệm cận với những quan điểm mang lý luận về nghiệp vụ báo chí của tác giả. Mấu chốt cuối cùng, theo như chia sẻ của tác giả, là muốn thổi luồng nhiệt huyết để các nhà báo không chán nản, không bỏ cuộc trước những khó khăn của nghề báo, biến chuyển theo thời gian và ngày càng trở nên khó khăn.
5 tác phẩm của nhà báo Vũ Văn Tiến đã xuất bản
Một cuốn sách nhỏ, nhưng phong phú về nội dung, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về người làm báo nói chung và phóng viên điều tra nói riêng. Đây chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các bạn sinh viên đang theo học nghiệp vụ báo chí, chuẩn bị tiếp cận nghề báo, những người đã hoạt động báo chí và thậm chí cả những người đang làm công tác quản lý báo chí đều có thể tìm thấy những điều mà mình quan tâm, trăn trở với nghề báo, ở những góc nhìn khác nhau được đề cập đến trong cuốn sách. Nội dung cuốn sách đồng thời mở ra hướng đi cho những tờ báo chân chính, có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với thời cuộc và mong muốn tòa soạn phát triển bền vững.
Không dừng lại ở Rào cản với phóng viên điều tra, nhà báo Vũ Văn Tiến chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn, nhưng anh sẽ cố gắng duy trì đam mê, sức viết; tiếp tục tìm tòi, phản ánh những trăn trở, những vấn đề đang đặt ra với nghề báo để đưa vào trong những trang viết mang tính tổng quan, tổng kết kinh nghiệm thực tế, và sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, đóng góp cho sự phát triển của báo chí và xã hội nói chung.
Đỗ Đông