Tin tức

Rất cần chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà ở xã hội

Thiên An 24/05/2025 17:36

(CLO) Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn cho rằng, các chính sách phát triển nhà ở xã hội đã ban hành, chỉ thiên về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà ít quan tâm đến khả năng mua vào của người dân.

Ngày 24/5, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đã chia sẻ tới Quốc hội những lời gửi gắm của hàng triệu người lao động thu nhập thấp về nhà ở xã hội.

Theo nữ đại biểu Quốc hội đoàn Bình Dương, những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn trên cả nước đều mơ ước có một mái nhà nhỏ để an cư, nuôi dạy con cái. Dù vậy, một sự thật phũ phàng là tiền lương không tăng nhưng giá nhà, giá tiêu dùng cứ tăng liên tục nên dù chỉ là một mong muốn bình thường nhưng việc sở hữu được căn nhà vẫn chỉ là mơ ước.

“Dù nhiều chính sách được triển khai nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng, người lao động phải lo toan đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học, viện phí, tiền thuê nhà nên việc tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân chia sẻ.

Theo đại biểu, giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội thì vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động: “Cùng với tiêu chí, quy trình, quy định, thủ tục được xét duyệt đưa ra, nhiều người muốn đăng ký nhưng rồi lại từ bỏ việc không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật”.

5(2).jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân chia sẻ tới Quốc hội những lời gửi gắm của hàng triệu người lao động thu nhập thấp về nhà ở xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, Nghị quyết thí điểm lần này nếu được xây dựng thực chất, khả thi chính là niềm hy vọng lớn nhất mà người lao động thu nhập thấp đang mong chờ.

“Họ không cần một căn hộ cao cấp, một căn nhà đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có được một nơi ở tươm tất để nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau những giờ làm việc cực nhọc với giá cả hợp lý để thuê hoặc sở hữu trong khả năng của mình”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

Đại biểu cho rằng, một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư mà còn giúp đất nước phát triển bền vững. Bởi chỉ khi người lao động có chốn đi về ổn định thì họ mới có thể yên tâm lao động, tái tạo sức lao động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chia sẻ, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn và đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế và thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và hơn hết là người dân có nhu cầu thật thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp.

“Công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả với mức giá khá cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị”, ông Tuấn cho hay.

6.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn phát biểu.

Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đề xuất dự thảo Nghị quyết với nhiều nội dung mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ như giao đất không qua cầu, rút gọn kỹ thuật đầu tư, hình thành Quỹ nhà ở quốc gia.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thực thi, ông cho rằng, dự thảo còn thiếu một "mảnh ghép" cốt lõi, đó là chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội - là những người thụ hưởng trực tiếp và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay.

Để sản phẩm nhà ở xã hội thực sự đến tận tay những người có thu nhập thấp, những công nhân lao động giúp họ an cư lập nghiệp, ông Tuấn cho rằng còn 4 điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ.

Một là người dân có nhu cầu thật thì lại khó tiếp cận được vốn vay, nhưng khi tiếp cận được vốn vay thì gánh nặng tài chính lại khá lớn.

Đại biểu Tuấn phân tích: “Điển hình như người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng để mua một căn hộ trung bình với lãi suất là 4,8%/năm trong vòng 25 năm thì hàng tháng họ phải trả là 3,7 triệu đồng, trong đó tiền lãi chỉ khoảng 2 triệu đồng, chỉ còn lại 1,7 triệu đồng là tiền gốc. Nếu là công dân có mức lương đến 8 triệu đồng thì họ chỉ còn lại 4,3 triệu đồng để xoay xở chi tiêu cho cả gia đình là rất khó khăn. Do đó, họ chọn phương án thuê nhà trọ để ở thay vì mua nhà ở xã hội”.

Hai là là nguồn cung nhà ở xã hội vẫn lệ thuộc vào các nhà đầu tư nhưng doanh nghiệp thì lại e ngại vì thị trường đầu ra thiếu ổn định.

Ba là quy hoạch và quỹ đất triển khai nhà ở xã hội chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn khá rườm rà, phức tạp để các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội.

Bất cập thứ 4 là các chính sách đã ban hành, chỉ thiên về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà ít quan tâm đến khả năng mua vào của người dân.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết nhóm chính sách ưu tiên, hay "chính sách kép" để hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà ở xã hội.

Ông cho rằng, nên cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản điều kiện cho vay và có thể dùng căn hộ đó để làm tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Rất cần chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người thực sự muốn mua nhà ở xã hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO