RCEP sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam
(CLO) Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022, sau khi hai nước là Úc và New Zealand thông báo đã phê chuẩn hiệp định.
Tại Hội thảo "Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Những điều doanh nghiệp cần biết" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (5/11), đại diện Ban tổ chức cho rằng, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, các doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, phòng thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (Ảnh Trung tâm WTO).
"Trên thực tế Hiệp định FTA đã có hiệu lực mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội, do chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về cam kết. Đặc biệt hơn tỷ lệ hiểu biết về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt mức 23%", bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, phòng thương mại và Công Nghiệp Việt Nam nói.
Theo dự tính, các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng tốt cơ hội này.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 thành viên tham gia, bao gồm 10 nước thuộc khối Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác thương mại lớn nhất của họ là Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc.
RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn.
Cho đến nay, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định. Ngoài Úc và New Zealand, các nước ngoài ASEAN đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo giới đầu tư, việc thực thi RCEP vào đầu năm 2022 cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Qua đó cũng sẽ thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước thuộc khối ASEAN trong bối cảnh chuỗi cung ứng trên thị trường bị đứt gãy gần đây.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, lợi ích kinh tế của RCEP rất khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Điều đó cho thấy, thỏa thuận được coi là một chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang dần suy yếu.