Giáo dục đạo đức với người làm báo cần có tính thường xuyên, liên tục
+ Rõ ràng là câu chuyện đạo đức không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đào tạo trong nhà trường. Nhưng nền tảng đầu tiên của giáo dục đạo đức cho người làm báo phải là trên giảng đường đại học, thưa PGS.TS?
- Đúng là như vậy. Với những người thầy, người cô như chúng tôi, chưa bao giờ xem nhẹ trách nhiệm của mình trong vấn đề đào tạo, không chỉ là kiến thức, kỹ năng sống mà còn là giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo luôn là công việc quan trọng cần có tính thường xuyên, liên tục, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Dù trong môi trường đào tạo hay môi trường nghề nghiệp thực tiễn, việc rèn nghề cần thiết phải đi cùng với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người làm báo.
+ Giáo dục đạo đức cho người làm báo nhìn từ câu chuyện đào tạo sinh viên báo chí trên giảng đường cụ thể như thế nào, thưa PGS.TS?
- Trong hệ thống đào tạo, chúng tôi coi trọng việc xây dựng cho sinh viên những khung lý thuyết cơ bản, đơn cử là trong môn Pháp luật và đạo đức. Điều quan trọng là môn học này đã phân định rõ sự khác biệt giữa các yếu tố pháp luật và yếu tố đạo đức chứ không phải chỉ dừng lại ở những khái niệm chung chung. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần tăng cường nghiên cứu nhiều hơn theo hướng chi tiết hóa các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như đạo đức nhà báo khi sử dụng mạng xã hội, cần phải cụ thể chuẩn mực, trách nhiệm và các vấn đề xung quanh, phải nói rõ cái nào được làm, cái nào không được làm... Trong luật pháp có thể không nói chi tiết nhưng trong quy định về mặt đạo đức thì cần phải quy định rõ hành vi nào là chuẩn, hành vi nào lệch chuẩn... Từ đó có một khung pháp lý chính xác và đầy đủ mới soi chiếu thực tiễn và ứng dụng được.
+ Hiện nay, công nghệ truyền thông ở Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh, mang tính đột phá đang đem lại nhiều lợi ích cho nhà báo, nhưng cũng đặt ra vấn đề về đạo đức nghề nghiệp cho họ. Quan điểm của cô về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng, công nghệ là yếu tố quan trọng, nhưng kiến thức nền tảng về báo chí, những gì thuộc về nguyên lý của người làm báo mà bất cứ người làm báo nào cũng phải học như luật pháp, đạo đức, cách thức, phương thức tiếp cận, những giá trị của sự cống hiến, lý tưởng nghề nghiệp… là những điều không thể xem nhẹ. Việc giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng, lương tâm nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức.
Người thầy cũng vì thế, luôn phải nỗ lực đổi mới mình
+ Giảng viên báo chí – Nghề đòi hỏi trí tuệ, trách nhiệm và đam mê. Nhưng với những sinh viên báo có bản ngã và cái tôi... không dễ hài hòa. Giải pháp nào để nghề “rèn người” này được hiệu quả thưa cô?
- Đúng là, nghề giảng viên báo chí đòi hỏi cả ba yếu tố: trí tuệ, trách nhiệm và sự đam mê. Từng bài giảng trên lớp, từng lời tư vấn với sinh viên và cựu sinh viên đều phải là kết quả của nghiên cứu học thuật và trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Chân thành, gần gũi nhưng vẫn cần những nguyên tắc cơ bản về lối sống, về đạo đức. Tôi tôn trọng cái tôi của các em sinh viên và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các bạn thể hiện được bản thân mình vì nghề báo đòi hỏi sự sáng tạo, sự cá tính. Trường đại học là ngưỡng cửa đầu tiên mở lối cho các em bước ra cuộc đời, chúng tôi luôn hướng đến một môi trường mà ở đó thầy trò như đồng nghiệp, như người bạn đồng hành. Vì thế chúng tôi thành lập các câu lạc bộ, sân chơi, các chuyến tác nghiệp, thậm chí sát sao với từng đợt kiến tập, thực tập của các em vừa giúp các em trưởng thành, vừa là điểm tựa cho các em trong những bước đầu bỡ ngỡ.
PGS.TS Thu Hằng luôn được sinh viên ngưỡng mộ và yêu quý bởi trách nhiệm và sự tận tâm.
+ Là một nhà giáo coi trọng trách nhiệm, tận tụy với công việc, một nhà khoa học say mê nghiên cứu nhưng rất cá tính, hóm hỉnh và trẻ trung. Để nói đến nghề làm thầy, cô nghĩ đến điều gì?
- Đó là chuyện học làm thầy, tôi nghĩ phải thật nghiêm túc, phải nỗ lực trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Vừa là nhà quản lý, vừa là giảng viên, luôn phải phấn đấu trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu thì bản thân mới có cái nhìn sâu rộng, có kiến thức làm cơ sở khoa học, làm nền tảng, từ đó áp dụng trong thực tiễn đạt kết quả. Với tôi, Học viện không chỉ là môi trường đào tạo cho các bạn sinh viên, mà còn là cơ hội để các bạn rèn luyện các kỹ năng thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường; đồng thời qua những hoạt động này, tôi cũng gắn bó với đời sống của báo chí, rèn nghề và truyền thụ lại những kiến thức, kinh nghiệm thực tế quý báu cho lớp lớp sinh viên.
+ Tôi đọc nhiều bài nghiên cứu, nhiều bài báo của cô, thấy rằng, những vấn đề cô đưa ra đều có dẫn chứng rất cụ thể, cho thấy quá trình nghiên cứu rất tận tâm và trách nhiệm với con chữ. Người thầy, một trong những cách “truyền lửa” tốt nhất cho sinh viên của mình là thông qua các bài viết ấy?
- Tôi có nguyên tắc làm việc là không dễ dãi khi đặt bút viết một vấn đề nào đó. Bởi lẽ, nếu chỉ viết xong rồi để đấy, không có sự sáng tạo, tìm tòi khác biệt, tôi sẽ không viết. Tôi thấy vấn đề nào có thể mang lại ý nghĩa, giá trị thì tôi sẽ làm ngay. Chẳng hạn như mới đây tôi vừa viết một bài báo quốc tế về vai trò và phương thức báo chí tham gia phòng chống tham nhũng. Tôi viết vì biết rằng, chắc chắn bài viết ấy sẽ đến tay những người nghiên cứu về vấn đề này, kỳ vọng có những thay đổi trong cơ chế, giúp ích cho xã hội. Có lẽ, thông qua những tác phẩm là cách tốt nhất để sinh viên báo chí học tập, noi theo. Người thầy cũng vì thế, luôn phải nỗ lực đổi mới mình không chỉ trên giảng đường mà cả trong từng bài viết, tìm tòi con đường đi mới, riêng biệt của chính mình.
+ Vâng, xin cảm ơn cô. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam kính chúc cô sức khỏe, thành công!
Hà Vân (Thực hiện)