roi ta se hoi sinh hinh 1
roi ta se hoi sinh hinh 2

Trong trường ca “Đất nước hình tia chớp” tác giả Trần Mạnh Hảo viết: “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/ Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ Chọn vùng tâm bão để sinh con” - những câu thơ đã nói lên nguồn gốc dân tộc, vị trí đắc địa, cũng như nơi đầu sóng ngọn gió của một đất nước luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa. Vì vậy, ngay từ buổi bình minh lịch sử, khai thiên lập địa, con Lạc cháu Hồng luôn ý thức được rằng, muốn tồn tại và phát triển phải luôn chung sức, đồng lòng, cố kết dân tộc. Trải qua các cuộc đấu tranh chống chọi với tự nhiên và địch họa, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, anh em, sớm tạo nên một đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam: tư tưởng yêu nước thấm sâu và bao trùm mọi lĩnh vực. Các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thủy đã sớm được cố kết lại, trở thành cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, nhân văn, nhân ái, thủy chung...

Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để rồi trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách của chiến tranh, địch họa, người Việt Nam luôn và đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp.

Lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của đất nước con Rồng cháu Tiên đã được phát huy làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trở thành bài học quý giá đưa tới thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, đang hiện hữu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản. Đó là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế: toàn dân đồng lòng nổi dậy, lực lượng Đồng minh chống phát xít trên thế giới ủng hộ; từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, rồi cả thành thị cùng nông thôn nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

roi ta se hoi sinh hinh 3

76 năm qua kể từ ngày giành được độc lập, chính tinh thần đoàn kết keo sơn của hàng triệu người dân Việt Nam đã đưa con thuyền đất nước đi qua bao cuộc xâm lăng, giành thắng lợi trước những kẻ thù lớn mạnh rồi lại ghi những dấu ấn đậm nét trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đoàn kết đánh giặc, đoàn kết để chống chọi với thiên tai và nay, lại đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh.

Ở đợt dịch thứ 4 bùng phát, trước những khó khăn, mất mát của đồng bào cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trước hết được thể hiện trong sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cho đến địa phương đều thống nhất nhận thức: Phải chặn bằng được dịch bệnh để nhân dân sớm quay trở lại với “trạng thái bình thường mới”, khôi phục sản xuất, đời sống để trẻ em lại được đến trường, người lớn lại quay trở lại cơ quan, nhà máy, công xưởng.

roi ta se hoi sinh hinh 4

Trong thư gửi lực lượng tuyến đầu ngày 2/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Hơn 500 ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ra nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không làm giảm tinh thần vì cộng đồng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tôi cảm nhận được tinh thần của những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”… của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các anh, các chị “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi nhân dân và Tổ quốc cần”. Hơn 500 ngày qua, hàng trăm nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an đã gác lại cuộc sống cá nhân, không quản khó khăn, nguy hiểm đi vào những vùng tâm dịch để cứu giúp người dân. Không ít trường hợp đã trở thành F0, F1, có người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình cho lợi ích của cộng đồng, của đất nước".

roi ta se hoi sinh hinh 5

Đất nước gian lao quả thật chưa bao giờ bình yên. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với sự xuất hiện và tốc độ lây lan nhanh như vũ bão đã khiến phần đa các tỉnh, thành trong cả nước phải hứng chịu sự tấn công của “giặc Covid-19”. Thậm chí nhiều địa phương, đặc biệt là Bắc Ninh, Bắc Giang, 19 tỉnh thành phía Nam và giờ đây là Hà Nội trở thành tâm dịch với liên tiếp những lần phải giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội, nhưng tình người lại gần hơn. Giãn cách xã hội kéo dài nhiều tuần nay đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Tích lũy của người dân cạn dần, nhất là người nghèo. Sức ép tiền điện, tiền nước, chi phí sinh hoạt, bữa ăn hằng ngày đang gây rất nhiều sức ép, áp lực lên cuộc sống thường nhật của người dân trong những “vùng đỏ”, “vùng cam”. Nhu cầu cần được giúp đỡ của người dân, đặc biệt là tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gặp khó khăn do dịch bệnh là rất lớn. Trước dịch bệnh khó lường, càng day dứt hơn là hình ảnh mất mát, chia ly. Thế nên có thể hiểu, trọn vẹn ý nghĩa của những việc làm giúp đỡ, chú trọng đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh nêu trên, đó không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Đó còn là cái tình, là nghĩa đồng bào, sự sẻ chia hoạn nạn, cùng nhau vượt nghịch cảnh. Mà tình yêu thương, giúp đỡ nhau khi khó khăn, “bầu ơi thương lấy bí cùng,” “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn đời nay.

roi ta se hoi sinh hinh 6

Trong địch họa, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, gian khó thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào ấy càng được phát huy. Như trong đại dịch này, nghĩa tình đó còn đang tỏa sáng ngày càng nhiều ở những “siêu thị 0 đồng,” tổ “đi chợ giúp dân”, “bếp ăn thiện nguyện”, là những nhóm từ thiện tự nguyện ủng hộ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho những nơi khó khăn; các phong trào “lá lành đùm lá rách” phát động khắp các tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã.

Nghĩa tình ấy đang giúp người dân thêm sức chống chịu dịch bệnh và có niềm tin hơn vào các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Nghĩa tình ấy đã kết nối những nguồn sức mạnh để toàn dân cùng đất nước chung sức, đồng lòng vượt qua cuộc chiến gian khó này. 

roi ta se hoi sinh hinh 7

Khi bước vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam không phải quốc gia giàu tiềm lực, kinh nghiệm hay có trình độ chuyên môn cao nhất, nhưng chắc chắc, niềm tin và sự đoàn kết của toàn dân là thứ “vũ khí” không phải quốc gia nào cũng có được. Ngay từ đầu, “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết” là nhiệm vụ “bất biến”, mục tiêu xuyên suốt của toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến này. Tính chất và diễn biến của dịch bệnh phức tạp từng ngày, chúng ta linh hoạt “ứng vạn biến”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Với chính sách chủ động, kịp thời, cả hệ thống chính trị khẩn trương, sẵn sàng vào cuộc, đưa ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ; người dân đồng thuận, hưởng ứng và tuyệt đối tuân thủ các biện pháp, vượt qua mọi khó khăn để đẩy lùi dịch bệnh.

Kiên định mục tiêu kép, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Đó là kết quả sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. 

roi ta se hoi sinh hinh 8

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc ba yếu tố chính: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,1%-6,3%, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề xuất Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ lãi suất dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của đại dịch. Quy mô gói hỗ trợ khoảng 50 nghìn tỷ đồng áp dụng trong một năm, trong đó, ngân sách nhà nước dành khoảng 3.000 tỷ đồng bù lãi suất để doanh nghiệp được hưởng lãi suất vay vốn khoảng 4-5%/năm. Cũng theo các chuyên gia, cách hỗ trợ tốt nhất vẫn là Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, phòng, chống dịch và chiến lược vắc-xin là tiên quyết nhưng cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn tình hình, không quá cứng nhắc, nguyên tắc để dẫn đến “bế quan, tỏa cảng”, làm tê liệt các hoạt động như một vài địa phương đã triển khai thời gian qua.

roi ta se hoi sinh hinh 9

Từ những quyết sách đồng bộ, hành động cụ thể, sát sao của cả hệ thống chính trị, niềm tin của nhân dân ngày càng lớn hơn thông qua việc ủng hộ và chấp hành các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ. Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yếu tố quyết định để đi đến chiến thắng dịch Covid-19. Đó là lòng dân. Thủ tướng nói: “Chiến thắng hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.

Lòng dân là quốc bảo. Có lòng dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất hết. Điều này hầu như cán bộ, đảng viên nào cũng thuộc nằm lòng, nhưng vấn đề là ở chỗ: Nói bao giờ cũng dễ, hiểu ra vấn đề không khó, cái khó chính là nói đi đôi với làm. Thời cuộc thử thách lòng yêu nước. Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử mới về sức mạnh của tính cộng đồng của người Việt. Đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, nhưng tôi tin niềm tin sẽ ở lại, rằng: Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: Mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu - Đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid-19.  

Thảm họa, đôi khi là cơ hội để tái sinh, để con người kịp nhận ra, đâu là những giá trị căn cốt của cuộc sống, đâu là những thứ thực sự cần thiết với mình. Và mỗi người dân đất Việt, đều nhủ lòng vững niềm tin rằng qua cơn đại dịch, rồi ta sẽ hồi sinh!

roi ta se hoi sinh hinh 10

Tin khác

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

(NB&CL) Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

(NB&CL) Với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

(NB&CL) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được các Đại biểu quan tâm bàn thảo trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

(NB&CL) Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

(NB&CL) Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

(NB&CL) Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.