Rộng đường nhưng hẹp lối đi

Thứ năm, 29/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trung Quốc hiện đang được coi là thị trường xuất khẩu lớn của trái cây VN. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là hiện chỉ có 8 loại quả của VN được xuất chính ngạch gồm: thanh long, dưa dấu, chôm chôm... sang thị trường này. Còn lại phần lớn là phải xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch thiếu bền vững, rủi ro cao. Làm sao để mở lối cơ hội cho nhiều trái cây Việt bước sang thị trường rộng lớn đông dân nhất thế giới này đang là một bài toán rất cần lời giải.

Thị trường lớn của xuất khẩu nông sản

Hiện Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 76%. Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian qua đạt gần 30 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, riêng thị trường Trung Quốc được coi là lớn nhất với tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, tăng gần 6%. Trung Quốc nhập nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm gạo, sắn, rau quả, cao su, gỗ, thủy sản…

Thực tế cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này. Đây là những cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khai thác, mở rộng quy mô xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, với Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc, thời gian tới trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cơ bản được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của AQSIQ. Ngoài ra, mặt hàng này còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, có thể coi là rào cản của họ để bảo hộ sản xuất trong nước. 

Một thực tế hiện nay là, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính. Ngược lại, xuất khẩu chính ngạch còn rất ít, chỉ có 8 loại quả được xuất chính ngạch là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít sang thị trường này. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường áp dụng con đường tiểu ngạch, do đó các thương lái Trung Quốc khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản, vì thế những loại hoa quả không đảm bảo chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thì chưa nói đến con đường chính ngạch mà lối đi tiểu ngạch cũng ngày càng khó khăn.

Từ trước đến nay, xuất khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc được coi là quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hay “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra trong thời gian qua đã chứng minh cho sự rủi ro này. Hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch được xem là một giải pháp đối với nông sản Việt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu qua đường chính ngạch, nông sản Việt phải nhanh chóng đổi mới, hoàn thiện các tiêu chí. Điều này khó nhưng không phải là không làm được.

Báo Công luận
 Thanh long Việt Nam là 1 trong 8 loại trái cây vào Trung Quốc theo con đường xuất khẩu chính ngạch. (Ảnh TL)
Làm sao để mở rộng lối đi cho trái cây Việt?

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi có thể trồng nhiều loại hoa quả cho chất lượng cao. Tuy nhiên, chất lượng nông sản không đồng đều khiến sức cạnh tranh không cao. Điều này xuất phát từ việc có quá nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh khiến quy trình trồng trọt, chế biến, bảo quản không đồng bộ. Thêm vào đó, ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu của nông sản vẫn chưa gây được ấn tượng. Tiêu biểu như trường hợp quả thanh long, hiện 99% thanh long tại Trung Quốc đều được nhập khẩu từ Việt Nam. Thế nhưng khâu truyền thông về thế mạnh của thanh long Việt Nam gần như không có. Gần đây, thanh long vào Trung Quốc mới có bao bì bắt mắt, tuy nhiên vẫn còn ít.

Trước những hạn chế, khó khăn của hoa quả Việt trước ngưỡng cửa hội nhập sân chơi lớn, nhiều giải pháp của các chuyên gia kinh tế đã được đưa ra. Có ý kiến cho rằng, thay vì việc sản xuất và thu mua nhỏ lẻ các loại rau quả nên có vài thương nhân lớn đứng ra làm đầu mối để các quy trình này được thống nhất. Đồng thời, nông nghiệp hiện nay phải là nông nghiệp số và công nghệ cao phải cần những doanh nghiệp mạnh có vốn đầu tư lớn để đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn nông sản.

Về giải pháp cho hoa quả Việt mở rộng được lối đi vào thị trường Trung Quốc, ông Ưng Thế Lãm - trưởng nhóm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu củ quả DAA Việt Nam kiến nghị, cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất trong nước. Chuỗi cung ứng này quản lý chặt chẽ quy trình đầu vào sản phẩm, xử lý đóng gói với các đối tượng chính là nông dân, hợp tác xã, công ty và đầu ra ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay siêu thị. Trong đó, các khâu phải đồng bộ, phải được nhập số liệu truy nguyên và các chỉ số đánh giá chất lượng. “Doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nhưng cần phải có chuỗi liên kết này. Muốn làm lớn thì phải liên kết lớn. Mạnh ai nấy làm thì sẽ không thể nào mạnh được. Tuy nhiên, phải có sự phối hợp và hỗ trợ của tất cả cơ quan, ban ngành thì quy trình mới thực hiện được”, ông Lãm nhấn mạnh.

Một điều chắc chắn là, nông nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua thị trường lớn mạnh gần kề là Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội của hoa quả Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý các tiêu chuẩn của Trung Quốc về hồ sơ, thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất và sơ chế để không vi phạm. Nông sản vào Trung Quốc theo con đường biên mậu, tiểu ngạch thường bị ép giá, đến khi có sự cố nông sản quay đầu không biết bán cho ai. Vì thế, để phát triển bền vững không có con đường nào khác nông sản Việt cần tập trung vào con đường chính ngạch, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài.

Đức Minh

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương