Cảnh báo khi cho vay, nhận bảo đảm bằng tài sản
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng từ đầu năm đến nay tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Số liệu thống kê mới đây cho thấy, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,53% nhưng tín dụng các lĩnh vực không ưu tiên tăng chậm hơn rất nhiều. Riêng về tín dụng đối với bất động sản (tính đến tháng 7/2018) tăng gần 3,6%, chiếm 6,29% tổng dư nợ nền kinh tế.
Cho vay bất động sản đang được cảnh báo tồn tại khá nhiều rủi ro (Ảnh TL)
Trước tình trạng tăng chậm này, nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực ngân hàng cảnh báo, các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới. Ví dụ, hiện các loại hình công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các loại hình mới này lại chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với ngân hàng khi cho vay và nhận bảo đảm bằng tài sản này.
Tương tự như bất động sản, cho vay BOT, BT giao thông hiện nay cũng đứng trước những rủi ro rất lớn, nhất là khi hàng loạt dự án đã gặp khó trong phương án thu phí do phản ứng của người dân. Thêm vào đó, vốn huy động của các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn là vốn ngắn hạn, trong khi các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài nên rủi ro kỳ hạn của các ngân hàng là rất lớn.
Nên thận trọng
Trước vấn đề này, NHNN cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng về việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… để hạn chế nợ xấu, đồng thời ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, việc rót vốn vào các lĩnh vực nóng, đặc biệt là rót vào bất động sản đang ngày càng tinh vi nhằm né quy định của NHNN. Vậy nếu không cảnh giác thì rủi ro khi cho vay với lĩnh vực này của các ngân hàng là rất lớn.
Ngoài bất động sản thì ngân hàng cũng cảnh báo cho vay với các dự án BOT (Ảnh TL)
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, ngay cả thị trường phát triển như Mỹ, việc các ngân hàng ồ ạt đẩy mạnh cho vay mua nhà cũng đã làm nợ xấu tăng, dẫn đến nhiều ngân hàng phải phá sản. Cũng theo ông Hiếu, với thị trường còn non trẻ như Việt Nam, quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng còn nhiều kẽ hở, nếu không kiểm soát chặt thì rủi ro tín dụng bất động sẽ gia tăng. Đó cũng là lý do NHNN đưa ra Thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định các khoản vay mua nhà để ở với mức độ rủi ro chỉ là 50%, trong khi cho vay mua nhà để cho thuê hoặc bán lại có mức độ rủi ro tới 200%.
Theo NHNN, tỷ trọng cho vay bất động sản hiện chiếm 6,29% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng, con số dư nợ cho vay bất động sản được phản ánh ở trên là chưa phản ánh đúng với thực tế số vốn các ngân hàng đã cho vay vào lĩnh vực này. Và đồng nghĩa như vậy, hệ quả của cho vay bất động sản của các hệ thống ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hồ Hằng