Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Gi
Một tổ chức phi lợi nhuận của Anh đã đưa ra một báo cáo cho thấy các nhà báo trên thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro tấn công bằng hành động và lời nói nhiều hơn bao giờ hết.
Báo cáo này cũng thấy tự do báo chí trên toàn thế giới đang có dấu hiệu đi xuống, đặc biệt tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungary.
Báo cáo này cho thấy 97% nhà báo bị bắt giữ là các phóng viên địa phương thường bị chính phủ buộc tội. Trong suốt 1 năm qua, vụ việc hai nhà báo địa phương của Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị tạm giam tại Myanmar và việc nhà báo Malta Daphne Caruana Galizia bị sát hại trong một vụ đánh bom đã khiến thế giới phải lên tiếng cảnh báo. Mới đây nhất, việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul hôm 2/10 đã khiến cho lãnh đạo các nước phương Tây đồng loạt lên án và yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc.
Tổ chức nhân quyền này cũng bày tỏ sự lo ngại với việc tự do báo chí Mỹ đi xuống kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Trong suốt gần 2 năm vừa qua, Tổng thống Mỹ và nhiều thành viên trong chính phủ đã liên tục chỉ trích báo giới, gọi họ là "tin tức giả", cũng như hủy bỏ thẻ báo chí của phóng viên CNN.
"Những ảnh hưởng của việc này vượt xa hơn cả nước Mỹ", tổ chức này cho hay. Trong thông cáo của họ, những nhà lãnh đạo như bà Aung San Suu Kyi của Myanmar, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là những người đã học theo Tổng thống Trump và gọi báo giới khắp nơi là "tin tức giả" nhằm làm giảm uy tín của giới truyền thông.
"Đây là một hiện tượng quốc tế với nhiều vụ vi phạm diễn ra tại nhiều nước, nơi mà tự do báo chí vốn từng được bảo vệ", CEO của tổ chức, Thomas Hughes cho hay. "Báo cáo này là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đi xuống của tự do ngôn luận trên toàn thế giới".
Hoàng Việt (Theo Time)