Sản phẩm OCOP đưa rau Văn Đức tự tin xuất ngoại
(CLO) Sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP sẽ là tiền đề để Văn Đức xuất khẩu các sản phẩm rau chất lượng cao ra thị trường nước ngoài.
Xã Văn Đức là vùng trồng rau trọng điểm của TP Hà Nội. Cả xã có diện tích trồng rau hơn 200ha, trong đó HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội (HTX Văn Đức) được đánh giá là đơn vị sản xuất rau an toàn lớn nhất Thủ đô. Ước mỗi năm, vùng rau Văn Đức cung cấp khoảng 35.000 tấn rau xanh cho các siêu thị và chợ đầu mối.
Để nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2019, HTX Văn Đức đã lựa chọn sản phẩm dự đánh giá, phân hạng OCOP. Đến năm 2024, HTX có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao, tiêu biểu là các sản phẩm: cải bắp, cải thảo, súp lơ xanh, súp lơ trắng, mướp đắng, đậu cove, cải ngọt, cà tím…

Xã viên HTX Văn Đức đóng gói sản phẩm rau trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Lê Dương
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Văn Đức, các loại rau, củ, quả của HTX khi được trồng đều phải bảo đảm 4 tiêu chí quan trọng nhất, đó là sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và nguồn nước. Trong quá trình canh tác, xã viên HTX chủ yếu sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học lành tính; quá trình chăm sóc rau phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
“Từ khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm của HTX dễ dàng hơn khi đưa vào các kênh tiêu thụ siêu thị, bếp ăn tập thể. Từ đó, giá trị cây rau cũng cao hơn so với bán ở các chợ đầu mối”, ông Minh đánh giá.
Để hỗ trợ các xã viên, HTX cung cấp các dịch vụ chọn giống, phân bón, tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giảm nguy cơ bị ép giá trên thị trường. HTX chủ động liên kết với một số hệ thống siêu thị như Aeon, Metro, các công ty đưa vào bếp ăn tập thể. Cùng với đó tổ chức các buổi tham quan cho khách hàng để họ biết được về quy trình sản xuất của nông dân.
“Sau khi được thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, hàng nghìn hộ dân tại HTX Văn Đức càng tự tin và yên tâm hơn trong sản xuất rau cung cấp cho thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày HTX rau Văn Đức cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn rau các loại. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối của Hà Nội, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, bí quyết thành công của bà con Văn Đức không có gì khác ngoài đảm bảo các tiêu chí: Chất lượng gắn với thương hiệu, sản xuất đúng quy trình, đúng kế hoạch…
Ông Minh cho biết thêm, ngoài chinh phục thị trường nội địa, Văn Đức còn bắt đầu xuất khẩu sang thị trường quốc tế như Đài Loan và Hàn Quốc, mỗi năm từ 500 đến 700 tấn sản phẩm với giá trị tăng thêm khoảng 20%.
Còn theo bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc HTX Văn Đức, theo quy định, các sản phẩm được chứng nhận OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp. Chính vì vậy, năm 2024, Hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thi đánh giá, phân hạng lại với các sản phẩm hết thời hạn công nhận.
“Lần này, theo hướng dẫn, HTX sẽ chọn các loại rau để đánh giá theo bộ, như bộ rau ăn lá (rau muống, cải, dền...), rau ăn quả (bầu bí, mướp, đậu đỗ...), rau ăn củ (khoai tây, khoai lang, củ cải...). Hiện Văn Đức đã được cấp mã số vùng trồng. Với việc tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, chúng tôi cho rằng đó là tiền đề để Văn Đức xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như bắp cải, cải thảo ra thị trường nước ngoài”, bà Luyến chia sẻ.
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Thế Vũ