Sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh 'gặp khó' vì thiếu nguyên liệu
(CLO) Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng việc mở rộng sản xuất các sản phẩm mây tre đan trong Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn khi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ngày càng trầm trọng.
Chương Mỹ là huyện có nhiều làng nghề truyền thống, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa), chỉ tính riêng thôn Phú Vinh, đã có hàng trăm hộ làm nghề mây, tre đan dưới hình thức các tổ hợp, cơ sở sản xuất, công ty trách nhiệm hữu hạn... Nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP và đã đạt sản phẩm OCOP 3-4 sao.
Ông Trung cho biết thêm, mây tre đan là nghề thủ công truyền thống với lịch sử cả trăm năm tồn tại và phát triển; sản phẩm mây tre đan gắn liền với đời sống cộng đồng của người dân thôn Phú Vinh. Nghề mây tre đan không cần nhiều vốn, tốc độ quay vòng vốn nhanh, giải quyết nhiều việc làm và tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, rất phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội hiện nay của người dân.

Nhiều mặt hàng mây tre đan của thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) được chứng nhận sản phẩm OCOP
Thời xưa, để đáp ứng đời sống cư dân nông nghiệp, người thợ Phú Vinh tạo ra các loại đồ dùng phục vụ sinh hoạt và sản xuất như: Quang gánh, thúng, gầu tát nước, nong, nia, dần, sàng... đến nhiều vật dụng khác như: Mâm, khay, đũa, đĩa, lọ hoa, lẵng hoa, chõng tre, gối, quạt nan...
Những năm gần đây, do đòi hỏi của thị trường, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng Phú Vinh đã không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng mỹ thuật. Đồng thời, các chủ thể có ý thức hơn trong việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Hiện tại, sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được yêu thích, đánh giá cao. Trong đó có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...
“Như công ty TNHH Thương mại Mây Việt có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia, được người tiêu dùng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ưa chuộng. Cuối năm 2023, công ty tiếp tục tham gia đánh giá 2 sản phẩm là bàn trà đan mây, mâm sâu mây guột và tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP”, ông Trung dẫn chứng.
Mặc dù tiềm năng phát triển của nghề mây tre đan còn rất lớn, nhưng việc mở rộng sản xuất các sản phẩm trong Chương trình OCOP vẫn còn nhiều khó khăn khi sản phẩm xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành bị đẩy cao.
Đặc biệt, nghề mây tre đan ở Phú Nghĩa nói riêng và Chương Mỹ nói chung đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Một khảo sát trong năm 2023 của TP Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại mây, tre, luồng, nứa, vầu...
Riêng đối với làng nghề Phú Vinh, ông Trung cho biết, hiện nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của làng nghề. Nhiều xưởng phải hoạt động cầm chừng vì không chủ động được nguyên liệu đầu vào.
“Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất chúng tôi có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng hiện nay nguồn này gần như mất. Chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia… nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và khá bấp bênh về nguồn cung”, ông Trung cho hay.
Trước những khó khăn này, ông Trung bày tỏ mong muốn có sự trợ giúp của các cấp, ngành chức năng. Về phía làng nghề, các doanh nghiệp, các hộ dân ngoài việc chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thì một số đang chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác, lấy từ các loại cây đu đủ, mướp, chuối… Bước đầu, một số sản phẩm làm từ những loại nguyên liệu này đã được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận tích cực, hứa hẹn việc mở rộng thị trường tiêu thụ.
Còn theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan, cần tăng cường kết nối, hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm... Về lâu dài, chúng ta cần đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định.
Để làm được điều đó thì trước hết cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế…
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
Thế Vũ