"Sản xuất sữa chờ công bố 21 ngày, sữa thiu mất rồi"
(CLO) Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, việc xây dựng thêm các hàng rào pháp lý sẽ tác động mạnh tới nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm.
Thưa ông, trong thời gian gần đây, một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng bị phát hiện đã khiến dư luận đặc biệt lo ngại. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
- Có thể thấy những vụ việc liên quan đến thực phẩm giả đã khiến dư luận rất lo lắng. Ví dụ như trường hợp của vụ Hancofood và Rance Pharma đã sản xuất và cho lưu hành 473 loại sữa giả.

Đa số các mặt hàng này đều được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp giấy đăng ký, nhưng 4 năm không hậu kiểm nên không biết địa chỉ công ty đăng ký thực ra là địa chỉ mua, thực tế là một phòng khám phụ sản tại Hòa Bình.
Hoặc trường hợp của MediPhar sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Trong vụ việc này, Bộ Công An đã kết luận 5 cán bộ bỏ qua các lỗi vi phạm để cấp một số giấy phép khi lưu hành sản phẩm.
Nguyên nhân chính của vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vừa qua đó là thiếu hậu kiểm, hoặc có hậu kiểm nhưng bỏ qua vi phạm do có tiêu cực. Do đó, để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, Việt Nam cần phải tăng cường hậu kiểm. Tuy nhiên, để hậu kiểm hiệu quả, phải theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến là hậu kiểm theo quản lý rủi ro.
Vậy theo ông, để kiểm soát hàng giả lan rộng trên thị trường, chúng ta có cần xây dựng thêm các hàng rào pháp lý hay không?
- Để siết chặt quản lý, tư duy thường thấy là tăng thủ tục cấp phép, vì dễ làm. Tuy nhiên, việc tăng thêm các thủ tục lại tạo ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ví dụ, Việt Nam đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm. Trong dự thảo, cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều thủ tục hành chính phức tạp về đăng ký thực phẩm như dược phẩm, thậm chí đề xuất một số yêu cầu tương đối khó.
Thứ nhất, số lượng mục hồ sơ đăng ký tăng đột biến, từ 7 mục lên 41 mục, tăng gần 600%. Trong đó, có những yêu cầu không hợp lý, chẳng hạn như bắt doanh nghiệp mô tả chi tiết quy trình sản xuất, thông số thiết bị, loại máy móc, điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ bí mật công nghệ.
Thứ hai, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài. Ví dụ, thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký sản phẩm tăng từ 7 ngày lên 90 ngày, tức là gấp hơn 13 lần. Hoặc, việc tự công bố cũng tăng từ 1 ngày lên 21 ngày, một khối lượng thời gian quá lớn chỉ để đưa dữ liệu lên hệ thống.
Thứ ba, phạm vi áp dụng bị mở rộng quá mức. Theo dự thảo, tất cả thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế đều phải đăng ký, kể cả những sản phẩm đơn giản như muối i-ốt, dẫn đến tổng số lượng sản phẩm phải đăng ký tăng khoảng 50%.
Thứ tư, dự thảo còn đưa ra một thủ tục mới, yêu cầu các sản phẩm đã được đăng ký và đang lưu hành ổn định cũng phải nộp lại hồ sơ theo quy định mới trong vòng 18 tháng
Thứ năm, công tác hậu kiểm vẫn chưa đi vào bản chất quản lý rủi ro. Ví dụ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được hậu kiểm 3 năm/lần, trong khi nhiều nhóm thực phẩm thông thường lại kiểm tra 1 năm/lần.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định lần này chưa phù hợp với quốc tế. Đồng thời, những quy định mới này sẽ gây ra những tác động mạnh tới nhiều doanh nghiệp.
Ví dụ, sữa tươi là thực phẩm tự công bố, trước đây chỉ cần 1 ngày để tiếp nhận hồ sơ, nay cần tới 21 ngày, trong khi sữa tươi thanh trùng chỉ có hạn dùng 10 ngày. Đợi tiếp nhận công bố 21 ngày mới được sản xuất thì sữa thiu thối hết.
Hoặc, sữa tiệt trùng bổ sung vitamin A và D, trước là thực phẩm bổ sung, nay phải chuyển sang đăng ký. Tuy nhiên, dự thảo lại không có thời gian chuyển tiếp, tức là khi Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất ngay để chờ hoàn thành thủ tục mới.

Vậy theo ông, đâu là những giải pháp cần thiết để vừa kiểm soát hiệu quả thực phẩm giả, vừa không làm khó doanh nghiệp chân chính?
- Tôi cho rằng, chúng ta cần kiểm tra cả chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn. Đồng thời, nên yêu cầu áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP hoặc tương đương đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ cao, điều này đã được đưa vào dự thảo và nên tiếp tục giữ vững.
Đối với các thực phẩm đơn giản, không có công dụng dành cho các đối tượng đặc biệt thì tiếp tục được tự công bố. Ngược lại, các thực phẩm có công dụng dành cho các đối tượng không phải người khỏe mạnh bình thường thì thuộc nhóm nguy cơ cao, phải đăng ký bản công bố.
Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống quản lý số về an toàn thực phẩm trên toàn quốc, bao gồm cả đăng ký, tự công bố, kết quả hậu kiểm, các cảnh báo trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!