Sáng 2/12, thế giới ghi nhận trên 64 triệu ca mắc COVID-19, số người tử vong tăng mạnh

Thứ tư, 02/12/2020 08:53 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 513.879 trường hợp mắc COVID-19 và 10.924 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên hơn 64 triệu người.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn số 1 thế giới, với trên 2.000 người tử vong trong 1 ngày.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 276.451 ca tử vong trong tổng số 14.069.454 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 138.090 ca tử vong trong số 9.495.661 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 173.497 ca tử vong trong số 6.304.570 bệnh nhân.

Tại Mỹ, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vừa kết thúc, ngày 1/12, giới chức bang Texas đã hối thúc người dân đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Người phụ trách bộ phận ngăn ngừa bệnh mạn tính và vấn đề dinh dưỡng thuộc Phòng Y tế hạt Harris, bang Texas, bà Sherri Onyiego đã bày tỏ quan ngại về việc người dân có thể đã nhiễm virus trong thời gian nghỉ lễ cùng gia đình và bạn bè.

Một góc phố được trang trí nhân dịp Lễ Tạ ơn tại New York, Mỹ ngày 26/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Một góc phố được trang trí nhân dịp Lễ Tạ ơn tại New York, Mỹ ngày 26/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bà kêu gọi mọi người đợi thêm 5 ngày sau khi có nguy cơ phơi nhiễm rồi mới xét nghiệm. Theo bà Onyiego, việc xét nghiệm quá sớm có thể dẫn tới tình trạng âm tính giả, mọi người có thể coi đây là kết quả chính xác và vô tình đi lây bệnh cho người khác.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân tránh gặp gỡ người khác trước khi xét nghiệm và trong thời gian đợi kết quả.

Trong khi đó, chính quyền bang Washington đã ra mắt ứng dụng "WA Notify", công cụ thông báo nguy cơ phơi nhiễm cho người dân, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19.

Thông qua việc cài đặt ứng dụng vào điện thoại thông minh, cư dân Washington sẽ được cảnh báo nếu họ đã tiếp xúc với một người dùng khác mắc COVID-19.

Ứng dụng sử dụng công nghệ đảm bảo quyền riêng tư do Google và Apple phát triển, theo đó sẽ không thu thập hay tiết lộ vị trí, cũng như dữ liệu cá nhân.

Tại bang California, Thống đốc Gavin Newsom cảnh báo ông có thể sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt hơn trong hai ngày tới, bao gồm việc yêu cầu người dân ở nhà để ứng phó với xu hướng nhập viện ngày càng tăng và có nguy cơ khiến khoa chăm sóc tích cực bị quá tải.

Còn tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio thông báo thành phố đang đẩy nhanh công tác xét nghiệm để khống chế dịch COVID-19, trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm trong những ngày qua liên tiếp lên mức cao nhất và có nhiều người trở về sau lễ Tạ ơn.

Khu vực Nam Mỹ hiện ít bị ảnh hưởng hơn, với tổng cộng hơn 11 triệu ca nhiễm và hơn 325.000 ca tử vong. Brazil ghi nhận số ca nhiễm cao nhất khu vực với 6.336.278 ca, trong khi các nước Argentina và Colombia đều ghi nhận hơn 1,3 triệu ca.

Ngày 1/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá tình hình dịch tại Mexico đáng quan ngại, đồng thời khuyến cáo các nhà lãnh đạo nước này cần triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng.

Bộ Y tế Mexico cho biết số người nhập viện do COVID-19 tại một số bang đang tăng mạnh và các bệnh viện tại bang Tabasco đã chạm ngưỡng khi số giường bệnh COVID-19 đã kín tới 95%.

Bên cạnh đó, cơ quan y tế Mexico cũng cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với trên 17 triệu ca nhiễm và gần 400.000 ca tử vong. 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Nga và Pháp đều đã ghi nhận trên 2,2 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, Anh vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, hiện lên tới 58.448 ca. Ngày 1/12, thủ đô Moskva đã bắt đầu kết nối hệ thống mã QR với các thẩm mỹ viện, nhà tắm hơi, rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng để ghi nhận những người đến các cơ sở này, trong một nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus.

Hơn 1.700 nhà hàng, khoảng 2.200 quán cà phê, căng tin, quán ăn nhanh, gần 600 quán bar đã nhận được mã QR. Hơn 120 thẩm mỹ viện, khoảng 440 thư viện, 90 rạp chiếu phim, gần 70 nhà hát và bảo tàng, và hơn 510 cơ quan hành pháp sử dụng hệ thống check-in đăng ký du khách này.

Ngoài ra, hơn 120 câu lạc bộ ban đêm và phòng chơi games, phòng chơi bi-a, câu lạc bộ bowling, sàn dạy khiêu vũ… cũng đã kết nối với hệ thống. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tăng cường nhập khẩu thuốc từ nước ngoài nhằm chiến đấu chống dịch, do các sản phẩm trong nước bắt đầu khan hiếm.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại một trạm kiểm soát ở Bansko, Bulgaria trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại một trạm kiểm soát ở Bansko, Bulgaria trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Chính phủ Đức đã quyết định chi khoảng 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) trong năm 2021 để xây dựng 19 trung tâm dự trữ nguồn cung y tế trên khắp nước phòng ngừa các tình huống khẩn cấp, nhằm tránh lặp lại tình huống giống như hồi đầu năm khi thiếu nghiêm trọng vật tư y tế vào thời điểm dịch bùng phát mạnh.

Các trung tâm này sẽ là nguồn cung cấp đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, thuốc men và máy trợ thở. Mỗi trung tâm được thiết kế có thể đảm bảo nguồn cung vật tư y tế trong một tháng cho các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám địa phương.

Trước mắt, các trung tâm này sẽ là nơi chứa hàng vật tư y tế có sẵn hoặc đang đặt mua. Từ năm 2022, Đức đặt mục tiêu sẽ tích trữ chủ yếu vật tư y tế "sản xuất trong nước", dần thay thế thế chuỗi cung ứng bên ngoài.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.472 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh.

Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.476 ca bệnh mới và 31 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Như vậy, trong 24 giờ qua, Myanmar đã vượt qua Philippines trở thành nước có số ca tử vong vì đại dịch nhiều thứ hai trong số các nước thành viên của khối.

Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 27.961 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.200.391 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.044.965 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. 

Minh Châu

Tin khác

Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

(CLO) Israel đã tăng cường không kích vào Rafah sau khi tuyên bố sẽ sơ tán dân thường khỏi thành phố cực nam Gaza để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể gây thương vong hàng loạt.

Thế giới 24h
Ông Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa phóng hàng loạt mới của Triều Tiên

Ông Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa phóng hàng loạt mới của Triều Tiên

(CLO) Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Năm (25/4) đã thị sát vụ thử nghiệm tên lửa phóng hàng loạt 240 mm do một đơn vị công nghiệp quốc phòng mới thành lập sản xuất, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin vào thứ Sáu.

Thế giới 24h
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức sau cáo buộc tham nhũng

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức sau cáo buộc tham nhũng

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine đã nộp đơn từ chức hôm thứ Năm (25/4) sau khi ông phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì liên quan đến việc mua lại trái phép đất thuộc sở hữu nhà nước trị giá 7 triệu USD.

Thế giới 24h
DNA tiết lộ mô hình tình dục và hôn nhân ở đế chế cổ đại

DNA tiết lộ mô hình tình dục và hôn nhân ở đế chế cổ đại

(CLO) Nghiên cứu phân tích DNA cổ đại lấy từ các ngôi mộ của người Avar đã tiết lộ về nguồn gốc, cũng như mô hình tình dục và hôn nhân của đế chế từng rất hùng mạnh ở châu Âu này.

Thế giới 24h
Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

(CLO) Ngày 24/4, Nga đã bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo kêu gọi các quốc gia ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian. Động thái này cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc đã lan ra ngoài không gian.

Thế giới 24h