Sáng tạo Việt Nam, Bản lĩnh Việt Nam

Thứ sáu, 08/01/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó chỉ là hai trong vô số những mỹ từ mà truyền thông và bạn bè thế giới đã dành tặng cho Việt Nam với những gì đã thể hiện được trong năm 2020 trên hai trọng trách: Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Bằng sự nỗ lực, linh hoạt, trách nhiệm và sáng tạo, chỉ với việc đảm nhiệm hết sức thành công hai trọng trách ấy, Việt Nam đã cho cả thế giới thấy rằng, từ một nước không có tên trên bản đồ, đến nay Việt Nam đã có thể đóng vai trò dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới.

Trong vòng xoáy của những thách thức chưa từng có tiền lệ

Ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020. Trước đó, tháng 6/2019, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực (UVKTT) Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu áp đảo và cũng từ ngày 1/1/2020, chính thức thay thế Kuwait trong HĐBA. Hai trọng trách, vừa là vinh dự lớn, vừa là cơ hội hiếm có để Việt Nam thể hiện vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Nói như tiến sĩ Alexey Muraviev - phó giáo sư Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Đại học Curtin (Úc):  “Việc được bầu làm UVKTT HĐBA LHQ sẽ tiếp tục nâng cao tiếng nói, sức nặng của Việt Nam xét về địa chính trị, như một nhân tố quan trọng và có tầm ảnh hưởng tại khu vực đang phát triển như Đông Nam Á cũng như xa hơn”. Với quan hệ đối thoại sâu rộng, đa tầng nấc, đa lĩnh vực, ASEAN hiện là tổ chức khu vực thu hút sự quan tâm, coi trọng hợp tác nhất trên thế giới. Do đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN phát triển bằng những chính sách do mình đề ra, giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế. Vị trí Chủ tịch ASEAN cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với nước lớn; huy động nguồn lực phát triển đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Vinh dự lớn, thời cơ lớn nhưng thách thức, gian khó thì không ít. Trên bình diện LHQ, thách thức lớn nhất với Việt Nam là khối lượng công việc ngày càng gia tăng bởi cục diện thế giới trong thời điểm hiện nay rất khác, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, chủ nghĩa đa phương bị suy yếu ít nhiều, trật tự luật pháp quốc tế bị đe dọa. Nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường… Trên bình diện ASEAN, thách thức đón đợi Việt Nam cũng không ít khi ASEAN còn nhiều chia rẽ, còn nhiều bất cập, vấn đề nội bộ… sự khác biệt trong lợi ích của các nước sẽ tiếp tục là những vấn đề nổi lên, ảnh hưởng đến việc điều phối, chèo lái quan điểm, lập trường của ASEAN…

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tồi tệ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới càng khiến mọi sự càng trở nên khó khăn gấp bội, thậm chí, là những thách thức chưa từng có tiền lệ. Việt Nam, đảm nhiệm “vai trò kép” trong bối cảnh ấy, không phải là điều dễ dàng, cho dù, Việt Nam đã có cho mình không ít những trải nghiệm khi trước đó, năm 2007, Việt Nam đã lần đầu trúng cử UVKTT HĐBA với số phiếu rất cao; Trước khi là Chủ tịch ASEAN lần này, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (7/2000-7/2001) và là Chủ tịch ASEAN 2010. 

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay sự thích ứng, linh hoạt mang tên Việt Nam

Khó khăn chồng khó khăn, thách thức tiếp nối thách thức, nhưng như với tâm thế bao đời nay của một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, những khó khăn, thử thách ấy, đã thực sự chỉ là “Lửa thử vàng”, là cơ hội để thể hiện rõ nét nhất một lần nữa trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.

Thực tế đối ngoại 2020 của đất nước hình chữ S đã là minh chứng cho điều ấy. Phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam Hồ Chí Minh đã được vận dụng triệt để. Ngay trong tháng đầu tiên trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện tốt vai trò điều hành hoạt động, thương lượng các văn kiện, đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, Ban Thư ký LHQ, các tổ chức quốc tế, khu vực cũng như báo giới. Cũng ngay trong tháng đầu tiên ấy, Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện: (i) Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ; và (ii) Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA. Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời”, đáp ứng nguyện vọng chung của các nước thành viên là đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, vai trò của các tổ chức khu vực.

Cùng ngay từ những tháng đầu tiên trong vai trò UVKTT HĐBA, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Đối với các vấn đề phức tạp có mâu thuẫn quan điểm, tranh chấp lợi ích giữa các nước, Việt Nam đã xử lý khéo léo, thỏa đáng, tránh bị cuốn vào sự đối đầu, chính trị hóa giữa các nước lớn; tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến và phấn đấu thể hiện vai trò cầu nối trên một số vấn đề, vừa nhằm phát huy vai trò “trung gian, hòa giải”. Đơn cử trên cương vị Chủ tịch Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết về Nam Sudan, Việt Nam đã phát huy vai trò trung gian góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước, có nhiều đóng góp về nội dung được phản ánh vào nghị quyết gia hạn cơ chế trừng phạt đối với Nam Sudan; được các nước châu Phi và Mỹ ghi nhận tích cực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay do Việt Nam chủ trì được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: EPA

Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay do Việt Nam chủ trì được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: EPA

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc cách ly, hạn chế đi lại được hầu hết các quốc gia tuân thủ, khi đảm nhiệm Điều phối viên Nhóm các nước UVKTT (E10) tại HĐBA trong tháng 5/2020, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, nhất là việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký LHQ… Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên để phát huy vai trò và đóng góp của mình tại HĐBA…

Còn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã linh hoạt chuyển hướng, tổ chức hầu hết các hội nghị trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN thông qua hình thức trực tuyến. Với hình thức này, năm 2020, ASEAN vẫn tiến hành đầy đủ các hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và hội nghị ASEAN với các đối tác lớn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, kết thúc năm Chủ tịch của Việt Nam, với hơn 20 hoạt động cấp cao, thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện, cao nhất từ trước đến nay. 

Chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng” được Việt Nam lựa chọn từ trước, nhưng thật kỳ lạ, lại trở nên đặc biệt phù hợp và chứng tỏ hiệu quả trong bối cảnh khu vực và thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Theo nhìn nhận của các nhà quan sát, dường như trong năm 2020, không có một chủ đề nào có thể phù hợp hơn với ASEAN như chủ đề này. “Thích ứng” thể hiện ở khía cạnh trong tình hình khẩn cấp xảy ra, Việt Nam nhanh chóng xác định cần chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN, phối hợp với các nước ASEAN tập trung vào hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Việt Nam chủ động đề xuất và điều phối nỗ lực hợp tác trong ASEAN và với các đối tác. Trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Việt Nam đã chủ động và kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN với dịch Covid-19; sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành cấp Thứ trưởng của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp…

Trước việc không thể áp dụng phương thức truyền thống là gặp gỡ và họp trực tiếp do dịch bệnh, Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin, linh hoạt thúc đẩy tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến trong ASEAN cũng như với các đối tác, góp phần duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời giải quyết vấn đề cấp thiết chung của khu vực. Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp... từng bước được đồng lòng triển khai.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tháng 11/2020, tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng được nước chủ nhà Việt Nam hướng tới qua việc hướng tới những biện pháp phục hồi ASEAN phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn - trung hạn - dài hạn, đồng thời phải cân bằng được mục tiêu kép…

Việt Nam chủ trì một phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tháng 1/2020. Ảnh: UN

Việt Nam chủ trì một phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tháng 1/2020. Ảnh: UN

Đảm nhiệm “vai trò kép” trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trong một năm thực sự đặc biệt, thực sự chưa từng có tiền lệ, thực sự gian khó, nhưng thực tế đã cho thấy, dường như, không gì có thể làm khó được bản lĩnh Việt Nam.

Mảng màu hồng tỏa sáng

Theo nhìn nhận của cộng đồng quốc tế, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam, ASEAN là mảng màu hồng tô sáng bức tranh màu xám của thế giới và trong mảng màu hồng ấy, với những gì đã thể hiện thành công trong năm 2020 bão táp vừa qua, cộng đồng quốc tế và khu vực dường như đều đồng nhất trong nhận định rằng Việt Nam chính là tâm điểm tỏa sáng nhất của mảng màu hồng ấy.

“Trong vai trò “kép” là Chủ tịch ASEAN 2020 và UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đưa ra được những kế hoạch, chiến lược bài bản trên cả hai vai trò quan trọng tại khu vực và thế giới. Đồng thời, trên cương vị “kép” của mình, Việt Nam đã tích cực trong việc kết nối ASEAN và LHQ” - bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam nhận định. Cũng theo bà Caitlin Wiesen, LHQ hoan nghênh Việt Nam, với tư cách là UVKTT HĐBA đã nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong khuôn khổ LHQ khi thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức phức tạp.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm được nhiều việc và thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch” - Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Tổng Thư ký cho rằng ký kết RCEP là một “sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực và tám năm đàm phán”.

Năm 2020 chứng kiến sự lớn mạnh trong tầm vóc của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế” - nhà phân tích Kyle Springer của Perth USAsia Centre nhận định.

Với việc ra được tuyên bố chung kêu gọi sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tái khẳng định công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là nền tảng để giải quyết tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam và các nước ASEAN đã thể hiện sự đồng lòng trong các vấn đề cốt lõi, thể hiện vai trò trung tâm trong việc gìn giữ tính độc lập và trung lập của ASEAN” - tờ Korea IT Times viết.

Việt Nam đã đảm nhiệm rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như đóng góp một cách tích cực và hiệu quả trên cương vị UVKTT HĐBA, trong đó bao gồm những sáng kiến thiết thực đối với hòa bình và an ninh tại châu Phi” - Bộ trưởng Ngoại giao Mozambique Verónica Nataniel bày tỏ cảm xúc.

Ngày 21/1/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về tình hình Palestine-Israel. Ảnh: TTXVN

Ngày 21/1/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về tình hình Palestine-Israel. Ảnh: TTXVN

 “Vượt qua khó khăn, thử thách, công tác chuẩn bị, khả năng chống chịu cũng như sự linh hoạt khi chuyển hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến của Việt Nam thực sự là một thành tựu tuyệt vời, xứng đáng được nhận sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế, không chỉ từ ASEAN, mà còn từ Liên minh châu Âu, trong đó có Hà Lan” - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Elsbeth Akkerman khẳng định.

Việt Nam đã thực hiện đúng trọng trách của mình bất chấp nghịch cảnh do dịch bệnh và tình hình khu vực diễn biến khó lường. Việt Nam đã dẫn dắt và tổ chức tất cả các sự kiện liên quan của ASEAN, theo kế hoạch đề ra, với rất ít sự kiện phải hoãn hoặc hủy do dịch Covid-19. Đa phần các hoạt động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, là minh chứng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà không cần gặp mặt trực tiếp” - Tiến sĩ Vijay Sakhuja nhấn mạnh trong bài viết đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga (Ấn Độ). 

Vĩ thanh

Còn rất, rất nhiều mỹ từ đã được cộng đồng quốc tế dành tặng cho đất nước hình chữ S với những gì đã làm được chỉ riêng trên việc đảm nhận hai trọng trách kép trong năm 2020. Sự công nhận ấy càng trở nên đặc biệt trong một năm với rất nhiều dấu mốc lịch sử: 75 năm thành lập Nước, 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN, ngành ngoại giao Việt Nam cũng chạm mốc 75 năm…

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước…

Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao, với tâm thế chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu…

Những gì đã có là rất đáng trân trọng và tự hào. Nhưng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, những hệ lụy bởi đại dịch Covid -19 cũng như các thảm họa… những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt sẽ không phải là ít…

Nhưng, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển… Tinh thần đã đưa Việt Nam tới vị thế ngày hôm nay sẽ tiếp tục là kim chỉ nam soi rọi cho đối ngoại Việt Nam trên hành trình phía trước…

Hồng Hà

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn