Sanna Marin: Thủ tướng nữ quyền nguyện đấu tranh vì bình đẳng giới

Thứ bảy, 13/02/2021 09:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới khi trở thành Thủ tướng Phần Lan ở tuổi 34, đứng kề vai bên cạnh những chính trị gia quyền lực ở Hội nghị Thượng đỉnh EU… Sanna Marin, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng bản thân bà lại cho rằng mình “không cảm thấy là một hình mẫu”.

Tuổi thơ vất vả 

Ngày 8/12/2019, Sanna Marin trở thành tâm điểm của thế giới sau khi giành chiến thắng trước đối thủ Antti Lindtman với số phiếu 32/29, trở thành tân Thủ tướng của Phần Lan. Gánh vác trọng trách lèo lái đất nước ở tuổi 34, bà không chỉ trở thành nữ Thủ tướng thứ 3 của “đất nước hạnh phúc” mà còn là một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới. 

Sanna Marin, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nguồn: SDP

Sanna Marin, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nguồn: SDP

Sanna Marin sinh ra ở thủ đô Helsinki và sống ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp đất nước trước khi định cư tại thành phố Tampere. Gia đình của bà gặp nhiều khó khăn về tài chính khi người bố phải vật lộn với chứng nghiện rượu nặng. Bố mẹ chia tay nhau khi Marin còn rất nhỏ và bà phải lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và người bạn đời đồng giới của mẹ. 

Trong một cuộc phỏng vấn tờ báo điện tử Menaiset vào năm 2015, Marin từng chia sẻ về sự kỳ thị mà bà gặp phải khi mẹ của mình có mối quan hệ đồng giới. Bà kể rằng khi ấy bà thấy mình như “vô hình” bởi không thể nói chuyện cởi mở về gia đình mình. May mắn là bà vẫn còn sự ủng hộ của mẹ, người luôn ủng hộ và tiếp niềm tin rằng bà có thể làm bất cứ điều gì nếu muốn. 

Quá trình lớn lên bên cạnh hai “người mẹ” đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, nhận thức và quan điểm chính trị của bà về quyền con người. Trong lần phát biểu trước giới truyền thông vào năm 2015, Marin nói rằng: “Đối với tôi, mọi người ai cũng bình đẳng như nhau. Sự bình đẳng chính là nền tảng cho tất cả mọi vấn đề”.

Cô thường chia sẻ những tấm ảnh đời thường lên Instagram. Sansa đem đến hình ảnh một vị chính trị gia chưa bao giờ gần gũi và đáng mến đến vậy. Nguồn: Instagram

Cô thường chia sẻ những tấm ảnh đời thường lên Instagram. Sansa đem đến hình ảnh một vị chính trị gia chưa bao giờ gần gũi và đáng mến đến vậy. Nguồn: Instagram

Bà từng chia sẻ mình là thành viên đầu tiên của gia đình bước vào cánh cửa đại học, sau khi tốt nghiệp trường trung học Prikkala năm 2004 và học tiếp Khoa học Quản trị tại đại học Tampere. Năm 2012, khi chỉ mới 27 tuổi, Marin đã trở thành người đứng đầu hội đồng thành phố Tampere. Năm 2014, bà được chọn là Phó Chủ tịch thứ 2 của đảng Dân chủ Xã hội. Từ năm 2015, Sanna Marin chính thức là thành viên của Nghị viện Phần Lan. Từ tháng 6/2019, bà đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ vận tải và truyền thông của Phần Lan.

Với việc được bầu làm Thủ tướng Phần Lan vào tháng 8/2019, Sanna Marin đã gia nhập “hội các nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi”, và được so sánh với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (39 tuổi).

Khoảng 8 tháng sau khi trở thành người đứng đầu chính phủ Phần Lan, Sanna Marin kết hôn với người bạn trai lâu năm Markus Raikkonen. Nói là lâu năm bởi họ đã chung sống 16 năm và có với nhau một bé gái 2 tuổi. Chia sẻ về vị hôn phu của mình trên mạng xã hội Instagram, nữ Thủ tướng viết: “Chúng tôi đã sống bên nhau cả tuổi trẻ, trưởng thành cùng nhau và trở thành cha mẹ của cô con gái thân yêu. Trong tất cả, anh là người dành cho em. Cảm ơn anh vì đã ở bên cạnh em”.

Vị Thủ tướng của nữ quyền

Không chỉ nổi tiếng vì trở thành lãnh đạo trẻ tuổi nhất, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này còn được mọi người biết đến với tư cách là người luôn tiên phong đấu tranh cho nữ quyền. Bà Marin dẫn dắt một chính phủ liên minh gồm 5 đảng đều do phụ nữ đứng đầu. Liên minh của các nhà lãnh đạo nữ này là chủ đề thảo luận của nhiều tờ báo phương Tây về sự lên ngôi của “nữ quyền”. Nhiều trang còn dùng tên nhóm nhạc nữ Spice Girls nổi tiếng để so sánh những người đứng đầu trong Nội các của Phần Lan hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Phần Lan hiện có một nữ Thủ tướng và có tới bốn nhà lãnh đạo đảng trong liên minh cầm quyền đều là nữ. Có rất nhiều tựa đề của các bài báo thời điểm đó đã bày tỏ sự ca ngợi với chính phủ này của Phần Lan như: “Chủ nghĩa nữ quyền đã đến Phần Lan”; “Quốc hội Phần Lan: Tiên phong về bình đẳng giới”; “Phụ nữ nắm quyền: những gì chúng ta đã chờ đợi”.

Nhiều tờ báo dùng tên nhóm nhạc nữ Spice Girls nổi tiếng để so sánh những người đứng đầu trong nội các của Phần Lan hiện tại. Nguồn: Instagram

Nhiều tờ báo dùng tên nhóm nhạc nữ Spice Girls nổi tiếng để so sánh những người đứng đầu trong nội các của Phần Lan hiện tại. Nguồn: Instagram

Những phụ nữ lãnh đạo đất nước này mang một màu sắc trẻ trung và... nữ tính. Công việc bận rộn đến đâu, họ vẫn dành thời gian chăm chút cho gia đình, ngoại hình, trang phục và cả mạng xã hội. Như Thủ tướng Sanna Marin, bà thường xuyên chia sẻ hình ảnh thường ngày lên Instagram, từ ảnh trang trí nhà cửa, du lịch cùng gia đình, tới ảnh mang thai, cho con bú…

Cách điều hành của họ cũng mang màu sắc nữ tính. Chẳng hạn sau khi lên nắm quyền chưa được bao lâu, bà Marin đã đề xuất người Phần Lan làm việc 4 ngày/tuần hoặc 6 giờ/ngày thay vì 5 ngày/tuần, 8 giờ/ngày như hiện nay.

Theo bà, người dân cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình bên cạnh công việc ngoài xã hội. Giữ Phần Lan nằm trong Top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng là mục tiêu của nữ Thủ tướng Marin.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới công bố là đại dịch vào ngày 11/3/2020, Phần Lan đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trước khi virus Corona ập đến. Nước này không chỉ hạn chế các hoạt động đi lại, mà còn kích hoạt Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp, được sử dụng lần cuối trong Thế chiến thứ hai, trao cho chính phủ quyền điều tiết tiền lương và yêu cầu “bố trí nhân lực bắt buộc để mua lao động”. Động thái trên đã bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy công chúng ủng hộ đạo luật này.

Một chỉ thị rõ ràng đã được đưa ra cho người dân Phần Lan: hãy ở nhà nếu có thể. Mỗi cá nhân có các triệu chứng nhẹ được khuyến khích đi xét nghiệm và các cuộc họp trực tuyến thường xuyên được thiết lập giữa các phòng thí nghiệm, bác sĩ và phòng khám để phối hợp lập kế hoạch.

Thủ tướng Sanna Marin và bốn thành viên nội các hàng đầu của bà đã tổ chức các cuộc họp giao ban về virus Corona hằng tuần, nhận câu hỏi từ cả người dân cũng như giới truyền thông, trong đó bao gồm cả các câu hỏi từ trẻ em. Nữ Thủ tướng Marin được ca ngợi và xếp cùng hàng với các nguyên thủ của Đài Loan, Đức và New Zealand, khiến một số người đặt câu hỏi liệu các nhà lãnh đạo nữ có xử lý khủng hoảng tốt hơn hay không.

“Có những quốc gia do nam giới lãnh đạo cũng đã làm rất tốt... Vì vậy, tôi không nghĩ đó là vấn đề dựa trên giới tính. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung hơn vào những gì mà các quốc gia làm tốt đã rút ra được”, Marin trả lời phỏng vấn tờ BBC.

Phần Lan, với dân số 5,5 triệu người, chỉ có hơn 370 người chết, tỷ lệ khoảng 60 người chết trên mỗi triệu dân, một con số rất thấp khi so sánh với các quốc gia khác.

Thủ tướng Sanna Marin và nhóm các nữ lãnh đạo đảng của Phần Lan đại diện cho một thế hệ phụ nữ tài giỏi đang vươn lên mạnh mẽ, phá vỡ mọi giới hạn và định kiến về năng lực của nữ giới. Alexander Stubb – cựu Thủ tướng Phần Lan (từ 2014-2015) – đã không tiếc lời khen ngợi chiến thắng của Sanna khi đăng trên Twitter rằng: “Có một chính phủ do phụ nữ lãnh đạo cho thấy Phần Lan là một quốc gia hiện đại và tiến bộ. Một ngày không xa, giới tính sẽ không còn là vấn đề đáng để tranh luận trong chính phủ nữa”.

Anh Minh

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo